Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết, 6 tháng đầu năm 2022, Việt Nam nhập khẩu 289,37 ngàn tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 648,51 triệu USD, giảm 13,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Việt Nam nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt từ 47 thị trường trên thế giới. Trong đó, Ấn Độ là thị trường cung cấp lớn nhất cho Việt Nam đạt 79,7 ngàn tấn, trị giá 250,97 triệu USD. Con số này tăng 20,9% về lượng và tăng 17,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Các chủng loại thịt và sản phẩm thịt nhập khẩu chủ yếu từ Ấn Độ trong sáu tháng đầu 2022 gồm thịt trâu tươi đông lạnh; đùi gà đông lạnh, thịt gà tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh; thịt bò tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh…
Riêng thịt heo tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh, trong sáu tháng đầu 2022, Việt Nam nhập khẩu 45,18 ngàn tấn trị giá 95,92 triệu USD, giảm 44,1% về lượng và giảm 48,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Giá nhập khẩu trung bình 2.123 USD/tấn, giảm 8,3% so với cùng kỳ năm 2021. Thịt heo tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh được nhập khẩu từ 22 thị trường, trong đó chủ yếu từ Braxin chiếm 35,1%, Nga chiếm 25,7%.
Về xuất khẩu, trong sáu tháng đầu năm Việt Nam xuất khẩu 8,59 ngàn tấn thịt và các sản phẩm thịt trị giá 34,69 triệu USD, giảm 9,4% về lượng và giảm 1,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Thịt và các sản phẩm thịt của Việt Nam xuất khẩu gồm thịt heo tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh được xuất khẩu sang 25 thị trường. Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Hồng Kông nhiều nhất với 3,44 ngàn tấn, trị giá 17,71 triệu USD (giảm 42% về lượng và giảm 29,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021).
Thịt gà đông lạnh nguyên con được bán tại siêu thị. |
Về tình hình trong nước, từ đầu tháng 8-2022 đến nay, giá heo hơi tại các tỉnh thành trên cả nước không có nhiều biến động.
Hiện giá heo hơi trên toàn quốc dao động từ 60.000-70.000 đồng/kg, giảm từ 1.000-2.000 đồng/kg so với cuối tháng 7 do nhu cầu trên thị trường yếu, các trường học vẫn chưa bước vào năm học mới và Chính phủ yêu cầu bình ổn giá thịt heo…Thời gian tới, dự báo giá heo hơi sẽ quanh ngưỡng 70.000 đồng/kg.
Vào cuối năm, giá heo hơi có thể tăng do nhu cầu tiêu thụ thịt tăng, hơn nữa giá thức ăn chăn nuôi vẫn cao khiến chi phí chăn nuôi tăng.
Cục xuất nhập khẩu cho rằng để hạ giá thành chăn nuôi, các trang trại phải tìm nguồn thức ăn sẵn có trong nước, chí phí thấp hơn. Các cơ quan chức năng cũng cần kiểm soát xuất khẩu heo tiểu ngạch sang các nước láng giềng, tăng nguồn thịt nhập khẩu chất lượng.
Đồng thời, theo Tổng cục Thống kê, ngành chăn nuôi vẫn đang phải đối mặt với khó khăn do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao nên người chăn nuôi không mở rộng quy mô.
Tổng số gia cầm của cả nước tính đến cuối tháng 7-2022 tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2021 đây là mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2018-2022. Tổng số bò của cả nước tính đến cuối tháng 7-2022 tăng khoảng 2,6%; tổng số heo tăng khoảng 4,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Năm 2022, ngành chăn nuôi đặt mục tiêu tăng trưởng giá trị sản xuất chăn nuôi bình quân năm 2022 đạt khoảng 5,0- 5,5% so với năm 2021.
Sản lượng thịt các loại đạt khoảng 6,95 triệu tấn (tăng 4% so với năm 2021) trong đó sản lượng thịt heo hơi đạt trên 4,2 triệu tấn và sản lượng thịt gia cầm đạt trên 1,9 triệu tấn.