Virus Vũ Hán: 6 nước nhiễm-nghi nhiễm, châu Á báo động mùa tết

Tình hình lây nhiễm virus Vũ Hán gây viêm phổi diễn tiến đáng lo ngại. Trong nội bộ Trung Quốc, virus này không còn nhiễm cục bộ chỉ ở TP Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc) mà có vẻ đã lan sang ít nhất hai TP đông dân khác.

Đang lan nhanh

Theo thông tin từ báo South China Morning Post (SCMP), ngày 18-1 chính quyền TP Thâm Quyến đã cho cách ly 2 người nghi nhiễm virus Vũ Hán, chính quyền TP Thượng Hải cũng cách ly 1 người nghi nhiễm virus này.

Ít nhất có 3 ca nghi nhiễm virus Vũ Hán tại Thâm Quyến, Thượng Hải. Ảnh: EPA

Tại Vũ Hán, ngày 19-1, ngành y tế TP này thông báo đã phát hiện thêm 17 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm ở địa phương này lên 62 người. Trong 62 người này, 19 người sức khỏe đã ổn định và được xuất viện nhưng vẫn còn 8 người trong tình trạng nguy kịch. Đã có 2 người chết vì virus này ở Vũ Hán.

Đài Loan có 4 ca nghi nhiễm. Tại Hong Kong, 90 người đã bị cách ly, 14 người trong số đó được cho ra về sau khi được xác định không nhiễm.

Ngoài lãnh thổ Trung Quốc, theo thông tin chính thức thì đã có 3 trường hợp nhiễm. Đó là 2 du khách Trung Quốc sang Thái Lan và 1 người đàn ông Trung Quốc làm việc ở Nhật. Singapore đang có 3 ca nghi nhiễm, Việt Nam có 2 ca nghi nhiễm, Nepal có 1 ca nghi nhiễm.

BV Nhân dân ở Thâm Quyến, nơi đang cách ly 2 ca nghi nhiễm virus Vũ Hán. Ảnh: SCMP

Theo đánh giá ngày 17-1 của các nhà khoa học Trung tâm Phân tích bệnh truyền nhiễm toàn cầu MRC tại Trường ĐH nghiên cứu Imperial College ở London (Anh), số người nhiễm trong và ngoài Trung Quốc thật sự có thể phải hàng ngàn. Riêng ở Vũ Hán, Trung tâm MRC ước tính có “tổng cộng 1.723 ca nhiễm”. Các nhà khoa học đưa ra ước tính này dựa vào tình hình lây lan của virus này ra bên ngoài Trung Quốc, dựa trên dữ liệu hàng không quốc tế tại sân bay Vũ Hán.

Các nước báo động

Virus Vũ Hán giống virus gây cúm, tuy nhiên các triệu chứng của người nhiễm có thể diễn tiến nghiêm trọng từ cảm lạnh, cảm cúm sang viêm phổi nặng gây tử vong. Virus Vũ Hán được phát hiện ở TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) từ tháng trước và được cho xuất phát từ một loại hải sản trong một khu chợ ở Vũ Hán.

Nhà chức trách kiểm tra một khu chợ hải sản ở TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc). Ảnh: AFP

Tính tới thời điểm hiện tại, tất cả trường hợp nhiễm đều là các cá nhân sống hoặc từng đến Vũ Hán. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo virus Vũ Hán - được WHO xác định với tên 2019-nCoV - dịch có thể lan rộng.

Vì nguy cơ này mà hàng loạt nước châu Á như Hàn Quốc, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Nepal, Việt Nam, lãnh thổ Đài Loan, đặc khu Hong Kong đã báo động và triển khai các biện pháp phát hiện, phòng ngừa lây nhiễm.

Mỹ cũng đã báo động. Ba sân bay quốc tế lớn ở Mỹ (SFP ở San Francisco, LAX ở Los Angeles, JFK ở New York) đã áp dụng hình thức kiểm tra hành khách đến từ Vũ Hán. Hành khách từ Vũ Hán đến ba sân bay trên của Mỹ sẽ phải trải qua tầm soát các triệu chứng loại virus này.

Chặn được không?

Trung tâm Kiểm soát và Phòng, chống dịch bệnh Mỹ (CDC) nhận định khả năng vi khuẩn đã lây lan từ hải sản, động vật qua người và đang lo ngại người tiếp tục lây nhau.

Sân bay Hong Kong tăng cường giám sát dịch. Ảnh: SCMP

Virus xuất phát từ động vật lan truyền qua người cũng từng xảy ra trước đây, như các trường hợp hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS), hay cúm lạc đà năm 2017 và hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) cũng xuất phát từ Trung Quốc năm 2002.

Với trường hợp virus SARS, đã có hơn 8.000 người trên 37 quốc gia bị nhiễm, gần 800 người chết. Trung Quốc bị cáo buộc che đậy tình hình lây lan virus này.

Theo SCMP, thời điểm tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) bùng phát dịch SARS giai đoạn 2002-2003, Trung Quốc đã không công bố thông tin trong giai đoạn lễ, làm cho tình hình lây nhiễm thêm nghiêm trọng hơn.

Nhà chức trách y tế Vũ Hán cho biết có 763 người đã tiếp xúc gần với 45 ca nhiễm, đã được xét nghiệm nhưng cho kết quả không bị nhiễm. Ảnh: AFP

Lúc dịch lên đỉnh điểm giết hơn 700 người khắp thế giới, Trung Quốc mới buộc nhà chức trách các địa phương thông báo toàn bộ ca nhiễm lên chính phủ trung ương. Trung Quốc cũng cam kết báo cáo mọi thông tin kịp thời về SARS cho WHO.

Tuy nhiên, theo cơ quan Luật về kiểm soát và phòng các bệnh thông qua giao tiếp của Trung Quốc, chỉ Hội đồng Nhà nước hay nhà chức trách y tế TP hay tỉnh mới có quyền công bố thông tin dịch bệnh truyền nhiễm qua giao tiếp. Mọi cơ quan hay cá nhân khác bị cấm công bố.

Với trường hợp virus Vũ Hán, theo SCMP, công tác ngăn chặn, kiềm chế đà lây lan đang là một thách thức lớn với Trung Quốc trong bối cảnh hàng trăm triệu dân nước này đang di chuyển đoàn tụ gia đình mừng tết cổ truyền. Theo tính toán của SCMP thì dự kiến tại Trung Quốc sẽ có hơn 3 tỉ chuyến đi diễn ra trong 40 ngày tới, bắt đầu từ ngày 21-1. Bên cạnh di chuyển trong nước, sẽ có một lượng lớn dân Trung Quốc du lịch ra nước ngoài.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới