Tờ The Guardian cho biết đơn vị được nhắc đến là Trung tâm Chống buôn người và Nhập cư bất hợp pháp châu Âu trực thuộc Cơ quan Cảnh sát châu Âu (Europol) thành lập hồi tháng 2-2016. Đơn vị này hiện đang dẫn đầu nỗ lực điều tra chung của EU vào thảm kịch xảy ra ở Anh.
Được biết Trung tâm Chống buôn người và Nhập cư bất hợp pháp châu Âu được đánh giá là tổ chức quy mô và hiệu quả nhất trong đấu tranh, triệt phá các đường dây tội phạm buôn người xuyên biên giới.
Chiếc xe tải chứa thi thể 39 nạn nhân nghi là nhập cư bất hợp pháp được phát hiện hôm 23-10. Ảnh: THE GUARDIAN
Tuy nhiên, trước nguy cơ Anh phải rời khỏi EU mà không đạt được thỏa thuận, các nghị sĩ và chuyên gia phòng chống buôn người của Anh cho rằng nước Anh có thể bị loại khỏi Europol và các cơ quan liên quan của tổ chức này.
Thậm chí ngay cả khi thỏa thuận Brexit được thực hiện, chính quyền London vẫn sẽ bị giảm khả năng tiếp cận dữ liệu của cơ quan này.
Chủ tịch Ủy ban Các vấn đề nội địa thuộc Hạ nghị viện Anh Yvette Cooper cho biết bà rất lo ngại chính phủ không có kế hoạch về việc làm thế nào để đảm bảo Anh tiếp tục được tham gia vào các cơ quan của châu Âu, đặc biệt là Europol.
“Thậm chí trong kịch bản tốt đẹp nhất thì cũng sẽ có một khoảng trống và chúng ta sẽ mất quyền tiếp cận dữ liệu và hệ thống dữ liệu như chúng ta đang được hưởng hiện nay. Ở thời điểm chúng ta đang phải đối mặt với các vấn đề ngày càng tăng với loại tội phạm buôn người khủng khiếp này, sẽ là vô trách nhiệm khi để mất sự tham gia của Anh vào Europol cũng như đơn vị chống buôn người hoặc để mất quyền tiếp cận kho dữ liệu khổng lồ giúp chúng ta đối phó với tội phạm” - bà Cooper nói.
Đồng quan điểm, Chủ tịch Ủy ban Tình báo và an ninh Dominic Grieve cũng cho rằng vụ việc vừa qua cần sự hợp tác quốc tế trong chống buôn người.
"Rời khỏi EU sẽ khiến điều này càng trở nên khó khăn hơn. Hiện tại vẫn còn rất mơ hồ về việc liệu chúng ta có thể tiếp tục làm việc với các cơ quan này hay không” - ông Grieve cảnh báo.
Giới chức Europol nói rằng trong trường hợp không có thỏa thuận thì các nhân viên cảnh sát Anh sẽ phải rời khỏi trụ sở Europol ở The Hague. Hiện vẫn chưa rõ các mối liên hệ giữa tổ chức này với cảnh sát ở Anh sẽ như thế nào trong tương lai.
Trong khi đó, Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc phụ trách vấn đề chống buôn người Maria Grazia Giammarinaro nhấn mạnh: “Việc chia sẻ thông tin là rất quan trọng, bởi buôn người thường là tội phạm xuyên quốc gia. Vì thế việc trao đổi thông tin nóng sẽ có nhiều lợi ích. Ngoài ra, EU cũng có các công cụ rất hiệu quả trong việc điều tra chung - điều đã được chứng minh trong các cuộc điều tra phức tạp trước đây”.
Một phát ngôn viên Bộ Nội vụ Anh cho biết các công việc đang được thực hiện để đảm bảo Anh sẽ tiếp tục tham gia vào Europol và các cơ quan của tổ chức này sau khi kết thúc giai đoạn chuyển giao năm 2020.