Các nhà khoa học Hong Kong cảnh báo về làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ ba ở vùng lãnh thổ này sau khi Trung Quốc đại lục dỡ bỏ lệnh phong tỏa ở tâm dịch Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, báo South China Morning Post đưa tin.
"Tôi lo ngại về làn sóng lây nhiễm thứ ba đến từ những người từ Trung Quốc đại lục đến Hong Kong" - bác sĩ Gabriel Choi Kin, cựu Chủ tịch Hiệp hội y khoa Hong Kong, nói ngày 12-4.
Dịch COVID-19 ở Hong Kong đã trải qua hai làn sóng lây nhiễm. Đầu tiên là làn sóng người đến từ Trung Quốc đại lục khi nơi này còn là tâm dịch lớn nhất thế giới. Làn sóng thứ hai bắt đầu từ nửa cuối tháng 3, từ những người mang mầm bệnh trở về từ châu Âu và Mỹ.
Ngày 9-4, nhiều người dân khu Trung Hoàn, Hong Kong đi làm bằng phương tiện giao thông công cộng. Ảnh: SMCP
Lo ngại của các chuyên gia Hong Kong được đưa ra sau khi TP Vũ Hán - nơi bùng phát và cũng là tâm dịch COVID-19 của Trung Quốc được dỡ bỏ cách ly từ ngày 8-4.
Trong những ngày gần đây, Trung Quốc cũng ghi nhận nhiều hơn các ca nhiễm COVID-19. Số ca nhiễm mới trong ngày 12-4 là 108, trong đó có 10 trường hợp là nhiễm nội địa. Đây là lần đầu tiên từ ngày 6-3, số ca nhiễm mới trong ngày vượt qua con số 100 người.
Kể từ 7-4, các ca bệnh nội địa xuất hiện nhiều hơn ở các tỉnh Hắc Long Giang, Sơn Đông và Quảng Đông. Tuy nhiên, số ca bệnh "nhập khẩu" vẫn đang chiếm phần lớn số ca nhiễm mới ở Trung Quốc.
Cần thêm thời gian và không được lơ là cảnh giác
Bác sĩ Choi cảnh báo: "Nếu không thực hiện biện pháp phòng ngừa nào, có thể những người bị nhiễm bệnh sẽ đi vào trong cộng đồng".
"Các quyết định chính trị của chính quyền (Hong Kong - PV) sẽ quyết định làn sóng lây nhiễm thứ ba sẽ được ngăn chặn như thế nào" - ông Choi nói tiếp.
Bác sĩ Arisina Ma Chung-yee (Chủ tịch Hiệp hội Bác sĩ công Hong Kong) và chuyên gia dịch tễ học Yuen Kwok-yung (thuộc Đại học Hong Kong) cũng đưa ra quan điểm tương tự.
Bác sĩ Ma giải thích: "Một số thành phố ở Trung Quốc đại lục còn chưa mở cửa hoàn toàn. Chúng ta có thể nói rằng chính quyền các địa phương này có lẽ cũng giữ lại một số biện pháp kiểm soát dịch bệnh".
Bà cũng nhắc lại rằng dù số ca nhiễm mới và số người tử vong mới đã giảm nhưng dịch bệnh chưa hoàn toàn bị đẩy lùi ở Hồ Bắc khi vẫn còn một số trường hợp tử vong vì COVID-19 ở tỉnh này.
"Liệu những ca tử vong mới liên quan tới những người bị bệnh nặng trước đó hay liên quan tới những người mới nhiễm bệnh gần đây?" - bà Ma đặt câu hỏi.
Bác sĩ Arisina Ma Chung-yee, Chủ tịch Hiệp hội Bác sĩ công Hong Kong. Ảnh: SCMP
Giáo sư David Hui Shu-cheong thuộc Đại học Trung văn Hong Kong cho rằng cần thêm thời gian để theo dõi liệu đợt bùng phát mới có xuất hiện ở Trung Quốc đại lục sau khi nước này dỡ bỏ phong tỏa Vũ Hán hay không.
Trong khi đó, bác sĩ Luk Che-chung - người đứng đầu nhóm các bệnh viện công ở Hong Kong kêu gọi mọi người nâng cao cảnh giác.
"Mỗi người không thể lơ là cảnh giác ở mọi khía cạnh của cuộc sống. Hãy ra ngoài khi có ít đám đông, hay đi thang máy với ít người hơn" - ông Luk nói.
Hong Kong đã hơn 1.000 ca nhiễm, 4 người chết
Trong gần chín ngày gần đây, số ca nhiễm mới trong mỗi ngày đều thấp hơn 30 trường hợp. Ngày 12-4, Hong Kong chỉ phát hiện bốn ca nhiễm mới, thấp nhất kể từ ngày 14-3 và thấp hơn rất nhiều so với mức đỉnh điểm 82 trường hợp báo cáo ngày 29-3.
Tuy nhiên, ngày 11-4, số ca nhiễm COVID-19 ở Hong Kong đã vượt qua con số 1.000. Như vậy, thời gian để số ca nhiễm từ mức 100 lên 1.000 ở Hong Kong là 41 ngày, phần lớn đến từ làn sóng lây nhiễm thứ hai.
Số ca tử vong vì COVID-19 ở Hong Kong vẫn là bốn trường hợp. Từ ngày 14-3 đến nay, vùng lãnh thổ này không có ca tử vong mới. Số bệnh nhân đã hồi phục là 360 trường hợp.
Hiện tại, Hong Kong vẫn duy trì các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt nhất với người có đi qua tỉnh Hồ Bắc trong vòng 14 ngày trước khi nhập cảnh vào vùng lãnh thổ này, cũng như tất cả hành khách đến sân bay quốc tế Hong Kong. Hành khách được lấy mẫu nước bọt sâu trong cổ họng để xét nghiệm COVID-19.
Trong khi đó, những người đến từ các vùng khác của Trung Quốc (không phải Hồ Bắc) nhập cảnh bằng đường bộ thì không được lấy mẫu xét nghiệm.
Toàn thế giới đã ghi nhận hơn 1.858.800 ca nhiễm COVID-19 và gần 114.700 người tử vong, theo chuyên trang theo dõi số liệu Worldometer. Mỹ đang là ổ dịch lớn nhất thế giới (hơn 560.400 ca nhiễm - hơn 30% số ca nhiễm toàn cầu và 22.115 người tử vong).
Các quốc gia châu Âu là Ý, Tây Ban Nha, Pháp và Anh đã có hơn 10.000 người chết vì COVID-19. Số ca tử vong ở châu Âu là gần 77.150 trường hợp, trong khi tổng số ca nhiễm là gần 885.200 người.