Vụ hình nộm giống Tổng thống Erdogan bị treo ngược tại Stockholm: Thụy Điển lên án, Thổ Nhĩ Kỳ giận dữ ra mặt

(PLO)- Vụ hình nộm giống Tổng thống Erdogan xuất hiện tại Stockholm đã tạo ra căng thẳng ngoại giao mới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Thụy Điển trong lúc quốc gia Bắc Âu này đang nỗ lực gia nhập NATO.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Căng thẳng ngoại giao mới đã xảy ra giữa Thụy Điển và Thổ Nhĩ Kỳ sau khi những hình ảnh về một cuộc biểu tình ở thủ đô Stockholm lan truyền trên mạng cho thấy một hình nộm giống Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Receep Tayyip Erdogan bị treo ngược.

Một nhóm tự xưng là Ủy ban Đoàn kết Thụy Điển cho Rojava tuyên bố đứng sau cuộc biểu tình bên ngoài Toà thị chính Stockholm hôm 12-1. Rojava là một vùng tự trị ở phía bắc Syria, do người Kurd quản lý.

Sự cố trên đã gây thêm căng thẳng ngoại giao cho nỗ lực gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Thụy Điển, theo hãng AP.

Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson. Ảnh: Yves Herman/REUTERS

Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson. Ảnh: Yves Herman/REUTERS

Thuỵ Điển lên án manh mẽ

Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson ngày 13-1 đã lên án hành vi của những người biểu tình, gọi đây là hành động phá hoại, cản trở nỗ lực gia nhập NATO của nước này.

“Những người biểu tình đã cố gắng thể hiện quan điểm về việc Thụy Điển gia nhập NATO thông qua một cách kinh tởm khi mô tả Tổng thống Erdogan theo cách đó. Điều này vô cùng tồi tệ theo mọi nghĩa” - ông Kristersson cho biết.

Ông cũng bày tỏ sự thấu hiểu trước cơn phẫn nộ của Ankara khi nói rằng Stockholm “cũng sẽ thể hiện phản ứng tương tự nếu điều đó nhằm vào một nhà lãnh đạo Thụy Điển".

Trước đó, nói với đài TV4, Thủ tướng Kristersson nhận định hành động trên là "cực kỳ nghiêm trọng" khi chế nhạo một nhà lãnh đạo nước ngoài và nguy hiểm cho an ninh Thụy Điển khi hành động theo cách như vậy.

Còn Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom nói rằng cuộc biểu tình “hiện có nguy cơ làm phức tạp và trì hoãn" quá trình xây dựng lòng tin giữa Stockholm và Ankara thời gian qua.

Thổ Nhĩ Kỳ giận dữ

Phản ứng về vụ việc, phía Thổ Nhĩ Kỳ đã tỏ ra vô cùng giận dữ và yêu cầu quốc gia Bắc Âu này hành động kiên quyết. Ankara cũng đã triệu tập Đại sứ Thụy Điển về sự cố trên.

Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson (trái) bắt tay với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan. Ảnh: AP

Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson (trái) bắt tay với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan. Ảnh: AP

Phát ngôn viên Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ - ông Ibrahim Kalin lên án cuộc biểu tình “ghê tởm và hung ác”, đồng thời yêu cầu chính quyền Stockholm có nghĩa vụ thực hiện các bước cụ thể theo luật pháp và thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ.

“Trừ khi những hoạt động của các tổ chức khủng bố bị ngăn chặn, còn không thì tiến trình trở thành thành viên NATO [của Thuỵ Điển] sẽ không thể nào tiến triển” - ông Kalin viết trên Twitter.

Văn phòng trưởng công tố Ankara cũng thông báo mở cuộc điều tra về vụ việc sau khi các luật sư của ông Erdogan đệ đơn khiếu nại hình sự và ngay lập tức gửi yêu cầu chính thức tới chính quyền Thụy Điển cung cấp thông tin và bằng chứng, hãng tin Anadolu đưa tin.

Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ Mustafa Sentop đã hủy chuyến thăm của người đồng cấp Thụy Điển Andreas Norlén dự kiến diễn ra vào ngày 17-1 tới.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu ngày 13-1 nhấn mạnh Thụy Điển không thể "trốn tránh trách nhiệm” bằng cách đơn thuần lên án vụ việc.

“Những người ủng hộ tổ chức khủng bố đang cố gắng ngăn chặn tư cách thành viên NATO của Thụy Điển. Thụy Điển hoặc cúi đầu trước bọn họ hoặc giữ những lời hứa” - ông Cavusoglu cho hay.

Dù vậy, Ngoại trưởng Cavusoglu cho biết Ankara sẽ tiếp tục đàm phán với Thụy Điển và Phần Lan về đơn gia nhập NATO của hai nước cũng như sớm tổ chức một cuộc họp dự kiến diễn ra ở Brussels (Bỉ), theo hãng Reuters.

Vào tháng 5-2022, Thụy Điển và Phần Lan đã nộp đơn xin gia nhập NATO nhưng vấp phải sự phản đối từ Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên NATO. Ankara nhiều lần cáo buộc quốc gia Bắc Âu chứa chấp nhóm chiến binh người Kurd mà nước này xem là “phần tử khủng bố”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm