Chủ toạ phiên toà và thẩm phán phụ xử. Ảnh: HOÀNG YẾN
Tại toà, bị cáo Tuyết Anh cho biết do mới nghỉ thai sản xong vào làm chạy chỉ tiêu mở tài khoản nên đã mở tài khoản cho mẹ chồng là bà Vũ Thị Thơm tại PGD Điện Biên Phủ. Lúc mở tài khoản này thì chưa phát sinh giao dịch giữa SBBS và PGD Điện Biên Phủ và SBBS chưa có tài khoản tiền gửi và chuyển tiền vào tài khoản này.
Luật sư hỏi bị cáo Tuyết Anh: Bị cáo có biết lệnh chi tiền từ tài khoản SBBS sang tài khoản mẹ chồnh bị làm giả không? Tuyết Anh đáp không. Còn việc tại sao lại chấp nhận chuyển tiền từ tài khoản SBBS sang của mẹ chồng thì bị cáo giải thích: "Chị Như đề nghị cho muợn tài khoản của mẹ chồng để chuyển tiền giúp khách hàng".
Toàn cảnh phiên tòa. Ảnh: HOÀNG YẾN
Luật sư hỏi bị cáo Huyền Như về lời khai của bị cáo Tuyết Anh, bị cáo Như xác định lời khai này đúng. Còn bà Thơm trình bày: "Tuyết Anh nói là do áp lực chỉ tiêu nên cần mở tài khoản, lấy tiền dành dụm của gia đình gửi vào. Không biết PGD dùng tài khoản này để chuyển tiền vào, rút tiền ra rồi chiếm đoạt, chỉ khi cơ quan điều tra mời lên làm việc thì tôi mới biết."
Chủ tọa hỏi bà Thơm: "Bà bao nhiêu lần ký giấy nhận tiền mặt?". Bà Thơm trả lời không nhớ rõ. Đó là tiền của ngân hàng nhưng thừa nhận ký cho con dâu làm trái pháp luật.
Theo hồ sơ, Tuyết Anh là giao dịch viên Phòng giao dịch Điện Biên Phủ từ tháng 6-2010 đến cuối tháng 9-2011, có nhiệm vụ tiếp nhận và kiểm tra các thông tin, thủ tục hồ sơ cho vay; kiểm soát chứng từ giải ngân để thực hiện việc giải ngân.
Tuyết Anh đã thực hiện xác thực hồ sơ và thực hiện giải ngân 55 khoản vay với tổng số tiền 254,6 tỷ đồng cho 15 khách hàng; tài sản thế chấp là 42 thẻ tiết kiệm trị giá 265,9 tỷ đồng của 11 cá nhân theo chỉ đạo của Huyền Như.
Tuyết Anh làm việc này trong khi hầu hết hồ sơ thiếu chữ ký của khách hàng vay và người có tài sản bảo lãnh; thực hiện giải ngân theo lệnh chi đã có sẵn chữ ký của khách hàng do Huyền Như cung cấp mà không có mặt khách hàng. Do đó đã không phát hiện đó không phải là chữ ký của họ.
Tài liệu điều tra xác định 42 thẻ tiết kiệm mang tên 11 cá nhân là do Huyền Như ký hợp đồng tiền gửi tại VietinBank chi nhánh TP HCM nhưng không nhận các thẻ tiết kiệm. Mục đích dùng thế chấp vay tiền tại Phòng giao dịch Điện Biên Phủ. Các cá nhân đứng tên vay tiền và người có tài sản bảo lãnh đều không làm thủ tục vay tiền và bảo lãnh việc vay tiền nêu trên tại Phòng giao dịch Điện Biên Phủ. Chữ ký của những người này trên các Hợp đồng tín dụng là do Như tự ký giả.
Hành vi của Phạm Thị Tuyết Anh trong việc xác nhận và làm thủ tục giải ngân đối với 55 hồ sơ tín dụng cho vay khi hồ sơ chưa có chữ ký của khách hàng vay; người có tài sản bảo lãnh; thực hiện Lệnh chi không có mặt của chủ tài khoản đã vi phạm quy định tại Hướng dẫn cho vay tiêu dùng có bảo đảm bằng số dư tiền gửi, sổ/thẻ tiết kiệm, giấy tờ có giá được ban hành theo Quyết định số 069/QĐ-NHCT19 ngày 25/1/2010 của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam. Việc làm này dẫn đến việc Như thực hiện trót lọt hành vi lừa đảo bằng thủ đoạn dùng thẻ tiết kiệm mang tên 11 cá nhân là nhân viên Ngân hàng ACB để dùng thế chấp vay tiền, ký giả chữ ký của người vay và người có tài sản bảo lãnh; ký giả chữ ký của chủ tài khoản trên Lệnh chi; chiếm đoạt được 254,6 tỷ đồng.
Xử sơ thẩm TAND TP.HCM đã tuyên phạt bị cáo 15 năm tù về tội vi phạm quy định về cho vay của các tổ chức tín dụng và bị cáo này kháng cáo yêu cầu cấp phúc thẩm xem xét lại.