Vụ Mỹ lén theo dõi lãnh đạo châu Âu: Nga vẫn nhắc tiếp dù EU im lặng

Nga cho rằng việc Liên minh châu Âu (EU) vẫn im lặng sau khi truyền thông Đan Mạch khơi lại thông tin tình báo Mỹ lén theo dõi lãnh đạo các nước đồng minh là biểu hiện cho thấy châu Âu phụ thuộc vào Mỹ, hãng thông tấn TASS đưa tin.

Ngày 30-5, đài truyền hình Đan Mạch Danmarks Radio (DR) cho biết Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) đã lợi dụng cơ quan tình báo quân sự của Đan Mạch để bí mật theo dõi các lãnh đạo hàng đầu ở nhiều nước châu Âu.

Phát biểu trong buổi họp báo thường kỳ ngày 10-6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tỏ ra “kinh ngạc” khi các nước EU bị Mỹ theo dõi “không có phản ứng nào” trước thông tin từ DR.

Bà Zakharova suy đoán rằng “sự im lặng” của châu Âu có thể do các nước này “nhận thức được họ không có lựa chọn thay thế, không có quyền tự do hành động, không có sự độc lập” để xử lý các vấn đề liên quan tới Mỹ. 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova. Ảnh: TASS

Phía Nga cho rằng các thông tin mà DR công bố là đáng tin vì “có những bằng chứng không thể chối cãi” chứng minh cho cáo buộc Mỹ theo dõi các lãnh đạo châu Âu và “thậm chí, không ai dám phủ nhận” cáo buộc này.

Bà Zakharova lưu ý rằng bất chấp mức độ nghiêm trọng của thông tin do DR tiết lộ, không một chính trị gia châu Âu nào hủy các kế hoạch công du tới “các nước bị vạch trần là gián điệp” (ám chỉ Đan Mạch) mà thậm chí, lãnh đạo các nước vùng Baltic còn tăng cường liên lạc với chính quyền Copenhagen - động thái mà Nga cho là đang thể hiện “sự ủng hộ chính trị” đối với hành động gián điệp.

Theo DR, Mỹ đã dùng hệ thống theo dõi bí mật ở Đan Mạch để nghe lén điện thoại, theo dõi tin nhắn SMS và lịch sử truy cập internet của các lãnh đạo hàng đầu ở Đức (bao gồm Thủ tướng Đức Angela Merkel), Thụy Điển, Na Uy và Pháp.

Vụ việc xảy ra vào năm 2013 và được cho là đã xuất hiện trong một báo cáo tình báo nội bộ ở Đan Mạch vào năm 2015. Cùng năm 2013, cựu nhân viên hợp đồng của Cục Điều tra trung ương Mỹ (CIA), ông Edward Snowden cũng tiết lộ nhiều thông tin mật của ngành tình báo Mỹ, trong đó có hoạt động theo dõi bà Merkel.

Thông tin về vụ bê bối tình báo ở Đan Mạch do DR trực tiếp điều tra và đài truyền hình này đã chia sẻ thông tin với một số cơ quan truyền thông châu Âu như các đài truyền hình SVT (Thụy Điển), NRK (Na Uy), NDRWDR (Đức) hay hai tờ báo Suddeutsche Zeitung (Đức), Le Monde  (Pháp).

Chỉ một ngày sau khi DR nhắc lại vụ việc, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tuyên bố “nếu thông tin đó là thật, những hành vi này là không thể chấp nhận được”, nhất là khi xét tới quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh châu Âu.

Tối 31-5, bà Merkel thể hiện sự đồng tình với quan điểm của ông Macron. Chính quyền Berlin tuyên bố đang liên lạc “với tất cả các cơ quan quốc tế và quốc gia có liên quan để làm rõ vấn đề này”.

Tuy nhiên, trong hơn một tuần qua, truyền thông châu Âu ít khi nhắc lại vấn đề này.

Trước bình luận chính thức hôm 10-6, bà Zakharova đã một lần nhắc tới vụ bê bối tình báo này trong một chương trình trực tuyến mà bà tham gia với tư cách cá nhân. Ngày 1-6, bà Zakharova nói rằng thông tin do DR tiết lộ “chỉ là phần nổi của tảng băng trôi”, đồng thời cáo buộc Mỹ “bẻ cong mọi luật lệ” để giám sát toàn thế giới. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm