Vụ VN Pharma: Kiến nghị xem lại việc xử tội buôn lậu

Chiều tối 28-8, liên quan đến trách nhiệm của Bộ Y tế, Cục Quản lý dược và các cá nhân liên quan đến vụ việc Công ty VN Pharma nhập thuốc H-Capita 500 mg ung thư giả vào Việt Nam, trao đổi với PV báoPháp Luật TP.HCM qua điện thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục khẳng định: “Hiện vụ việc tôi đã yêu cầu làm rõ, báo cáo để xử lý nghiêm các sai phạm liên quan”.

Tối cùng ngày, PV cũng đã trao đổi với Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình về các nội dung vì sao tội buôn bán hàng giả lại truy tố, xét xử tội buôn lậu đối với các bị cáo, việc xử lý trách nhiệm cá nhân ở Bộ Y tế đến nay như thế nào khi cấp phép cho nhập khẩu các lô hàng thuốc ung thư giả.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nói: “Vụ việc Công ty VN Pharma, Thủ tướng đã chỉ đạo các cơ quan liên quan xác minh, làm rõ để xử lý. Hiện Chính phủ giao cho Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trực tiếp theo dõi, chỉ đạo vụ việc liên quan đến Công ty VN Pharma. Nhà báo liên hệ với Phó Thủ tướng Đam sẽ rõ hơn”.

Tối cùng ngày, PV đã liên hệ nhiều lần vào số máy của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhưng không liên lạc được.

Bệnh nhân ung thư phải ra đi nhanh chóng nếu chẳng may uống phải thuốc giả. Ảnh: HTD

Một diễn biến khác, chiều 28-8, một lãnh đạo Văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389) cho biết vụ xét xử Công ty VN Pharma phạm tội buôn lậu là không đúng tội danh, đúng bản chất vụ việc. “Thuốc nhập về bằng tờ khai được các cơ quan cấp phép thì không thể truy tố, xét xử tội buôn lậu được. Bản chất đây là hành vi buôn bán hàng giả. Hàng giả ở đây là thuốc chữa bệnh thì quả thật là một tội ác. Với tội ác này, các bị cáo cần phải được điều tra, truy tố và xét xử đúng tội danh với mức án răn đe nghiêm minh hơn” - vị lãnh đạo Văn phòng BCĐ 389 Quốc gia nói.

Trong khi đó, nguồn tin từ Văn phòng Chính phủ cho biết: Văn phòng BCĐ 389 đã có báo cáo và đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan tố tụng làm rõ vụ việc.

Trao đổi với PV, một lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng nói: “Việc cơ quan tố tụng xử tội buôn lậu gây bất bình dư luận, cần phải truy trách nhiệm cá nhân liên quan và xử lý đúng người, đúng tội, tránh bỏ lọt hành vi phạm tội dẫn đến công lý không được thực thi, mất niềm tin vào sự chấp pháp nghiêm minh”.

Lãnh đạo một vụ thuộc Ban Nội chính Trung ương cũng chỉ ra việc xét xử không nghiêm, chưa phù hợp của cơ quan tố tụng. Vị này nhấn mạnh: “Từ tháng 9-2014 đến tháng 7-2015, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Minh Hùng, nguyên chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty Cổ phần VN Pharma (Công ty VN Pharma), về hành vi buôn lậu thuốc chữa bệnh và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức… Trong đó CQĐT kết luận: “Lô thuốc H-Capita 500 mg không rõ nguồn gốc. Trên các thùng hàng này có dán tem kiểm tra an ninh tại sân bay Ấn Độ, tem vận chuyển từ Ấn Độ về Singapore. Cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Công Thương cũng xác định mã vạch, mã số trên vỏ hộp thuốc H-Capita không được đăng ký ở quốc gia nào. CQĐT khẳng định lô thuốc H-Capita 500 mg caple do Công ty VN Pharma nhập là thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ”, như vậy rõ ràng là thuốc giả.

Kết luận giám định của Hội đồng giám định Bộ Y tế cũng chỉ rõ: “Lô thuốc nói trên chứa 97% hoạt chất capecitabine là thuốc không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người”.

Kết luận là như vậy nhưng không hiểu sao cơ quan tố tụng lại xử chín bị cáo liên quan về hai tội buôn lậu và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức… Vụ án này cần phải được làm rõ toàn diện” - vị lãnh đạo một vụ Ban Nội chính Trung ương nói thêm.

Một lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương cũng cho biết: “Ban Nội chính Trung ương sẽ theo dõi, đôn đốc kiểm tra vụ việc nghiêm trọng liên quan đến VN Pharma và không nói gì thêm”.

Trong ngày 28-8, PV cũng nhiều lần liên hệ với ông Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế kiêm Cục trưởng Cục Quản lý dược, để làm rõ trách nhiệm của cá nhân ông và ba thuộc cấp mà tòa đã đề nghị CQĐT phải làm rõ. Tuy nhiên, ông Cường không nghe điện thoại.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm