Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo các quốc gia phải dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa một cách từ từ và luôn cảnh giác trước nguy cơ dịch COVID-19 tái bùng phát, đài CNA đưa tin.
Trong cuộc họp báo của WHO hôm 1-5, TS Mike Ryan - Giám đốc điều hành Chương trình Y tế khẩn cấp của WHO cảnh báo các nước vẫn phải luôn sẵn sàng tái áp đặt chúng trong tình huống ca nhiễm tăng trở lại.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom (phải) và TS Mike Ryan (trái) - Giám đốc Chương trình Y tế khẩn cấp thuộc WHO. Ảnh: REUTERS
Ông cũng nhắc nhở rằng dù dịch bệnh đang đi vào tầm kiểm soát, các nước vẫn phải tiếp tục thực hiện các biện pháp vệ sinh và giãn cách xã hội, cũng như xét nghiệm những người nghi nhiễm.
Một số vấn đề thế giới cần giải quyết
TS Ryan cho biết WHO nhận thấy các nước đang đối mặt với một số khó khăn "vì các lý do xã hội, tâm lý và kinh tế" khi áp dụng các biện pháp phong tỏa.
Do đó, WHO lo ngại rằng các chính phủ cần có kế hoạch để kiểm soát dịch bệnh "với ít các biện pháp khắt khe hơn".
"Nhưng cùng lúc, chúng ta cần tránh tình huống chúng ta dỡ bỏ các biện pháp hạn chế quá sớm để sau đó chúng ta đối mặt trở lại với sự bùng phát dữ dội và buộc phải làm lại từ đầu", ông Ryan nói tiếp.
Ông Ryan cũng đề cập dịch bệnh trong một số "môi trường đặc biệt" như các cơ sở bảo trợ xã hội, nhà tù hay khu nhà tập trung cho người nhập cư. Những đối tượng này cần được coi là "dễ bị tổn thương" và phải được bảo vệ.
Vị chuyên gia của WHO đã nhắc đến một số ví dụ như sự bùng phát COVID-19 trong các viện dưỡng lão ở châu Âu và Bắc Mỹ, hay ở ký túc xá dành cho lao động nhập cư ở Singapore.
Một khu ký túc xá cho lao động nhập cư ở Singapore đã bị cách ly vì COVID-19. Ảnh: GETTY IMAGES
Một thực trạng nữa được ông Ryan lưu ý là sự gia tăng "đáng lo ngại" số ca nhiễm ở Haiti, Yemen, Syria, Afghanistan và một loạt các nước châu Phi.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết WHO sẽ "tiếp tục làm việc với các nước và các đối tác để tạo điều kiện cho các hoạt động đi lại cần thiết cho việc ứng phó trước đại dịch, cứu trợ nhân đạo và vận chuyển hàng hóa và để các nước từ từ nối lại các hoạt động vận chuyển hành khách bình thường".
"Như chúng tôi đã nói rõ từ đầu, chúng tôi sẽ tiếp tục kêu gọi các nước thực hiện các biện pháp toàn diện để tìm kiếm, cách ly, xét nghiệm và điều trị mọi ca nhiễm và truy vết" những người tiếp xúc với các ca bệnh, ông Tedros khẳng định.
WHO tiếp tục bảo vệ cách phản ứng của mình
Ông Tedros tái khẳng định WHO đã hành động "kịp thời" khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu vào cuối tháng 1.
Ông Tedros cho rằng quyết định hôm 30-1 đã tạo ra "đủ thời gian cho phần còn lại của thế giới ứng phó" với dịch bệnh vì vào thời điểm đó, chỉ có 82 ca nhiễm COVID-19 bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc và chưa có ai trong số này tử vong.
Ông cũng cho biết WHO đã đến Trung Quốc khảo sát tình hình và thu thập thêm thông tin về virus và dịch bệnh trước khi đưa ra tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu.
Trong chuyến đi đó, WHO đã đạt được một "thỏa thuận đột phá" với Trung Quốc về việc tiếp tục gửi các chuyên gia đến nước này nghiên cứu thêm về dịch bệnh.
Liên quan đến nguồn gốc dịch bệnh, TS Ryan nhắc lại rằng nghiên cứu của các nhà khoa học đã chứng minh "virus có nguồn gốc tự nhiên" chứ không phải sản phẩm nhân tạo như một số người cáo buộc.
Về quan hệ với Mỹ, Tổng giám đốc WHO Tedros cho biết WHO và Mỹ "hiện vẫn thường xuyên liên lạc và vẫn làm việc cùng nhau".