Ngày 22-4, hãng tin AFP dẫn cảnh báo từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) rằng đại dịch COVID-19 sẽ không sớm kết thúc bởi nhiều quốc gia hiện chỉ ở trong giai đoạn đầu của cuộc chiến chống dịch dù đã có hơn 184.000 người tử vong trên toàn cầu.
"Đừng nhầm lẫn, chúng ta vẫn còn một chặng đường dài. Virus gây dịch COVID-19 còn sẽ ở với chúng ta lâu hơn nữa” - Tổng Gám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói.
Người đứng đầu WHO cảnh báo dịch bệnh vẫn có thể hồi sinh. Ông nói: "Phần lớn các quốc gia trên thế giới vẫn đang ở trong giai đoạn đầu của đại dịch. Trong khi đó, một vài quốc gia từng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nay lại chứng kiến sự xuất hiện nhiều ca nhiễm mới”.
Dòng Twitter của WHO nhắc lại lời cảnh báo của ông Tedros hôm 22-4. Ảnh: TWITTER
Người đứng đầu WHO đưa ra cảnh báo trên khi một số nước đã bắt đầu dỡ bỏ một số biện pháp phong tỏa, ngăn chặn sự suy thoái kinh tế xuống mức thấp nhất.
Theo các quan chức của WHO, một số khu vực như Bắc Mỹ và châu Âu đang chứng kiến sự bùng phát dịch bệnh một cách dữ dội trong các cơ sở chăm sóc người cao tuổi.
Tiến sĩ Mike Ryan - Giám đốc điều hành chương trình y tế khẩn cấp của WHO cho biết: “Một khi virus vẫn còn tồn tại thì vẫn còn cơ hội cho nó bùng phát thành dịch bệnh. Rất khó để giảm mức độ rủi ro xuống mức 0. Mỗi quốc gia sẽ phải xem xét làm thế nào để giảm thiểu việc sự lây lan dịch bệnh”.
Trước đó, Giám đốc Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) Robert Redfield cũng cảnh báo người Mỹ chuẩn bị cho đợt bùng phát thứ hai dữ dội hơn.
"Có khả năng vào mùa đông tới, virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 sẽ tiến tục tấn công vào nước ta, gây nhiều khó khăn hơn so với cuộc tấn công hiện giờ” - ông Redfield nói.
WHO nói rằng sau đại dịch thế giới sẽ có một "sự bình thường mới". Ảnh: REUTERS
Ngoài ra, trong cuộc họp ngày 22-4, Tổng giám đốc WHO cũng nhấn mạnh với người dân trên toàn thế giới rằng phải có một “sự bình thường mới” khi dịch bệnh qua đi.
“Người dân tại các quốc gia có lệnh phong tỏa và được yêu cầu ở nhà nhiều tuần liền rất dễ nản lòng và bực bội. Ai cũng muốn trở lại cuộc sống bình thường của mình. Tuy nhiên, thế giới sẽ không và không thể trở lại như trước đây. Phải có một sự bình thường mới” - ông Tedros khẳng định.
Các nước cũng cần hành động ngăn chặn nạn đói
Tại một diễn biến khác, Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) nói rằng khủng hoảng do đại dịch COVID-19 còn ảnh hưởng mạnh đến một số đặc quyền của người dân các nước, theo AFP.
Hôm 21-4, ông David Beasley - Giám đốc của WFP phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc: "Tôi muốn nhấn mạnh rằng chúng ta không chỉ phải đối mặt với đại dịch sức khỏe toàn cầu, mà còn là thảm họa nhân đạo toàn cầu. Hàng triệu người dân sống trong các quốc gia có xung đột đang chịu ảnh đói kém, thiếu lương thực”.
WFP cho biết số người phải chịu nạn đói sẽ tăng lên 265 triệu trong năm nay, gấp đôi so với thời điểm trước khi dịch COVID-19 bùng phát.
Theo gám đốc WFP, 30 nước đang phát triển có thể sẽ đối mặt với nạn đói lan rộng do đại dịch COVID-19. Ảnh: THE GUARDIAN
Ông Beasley cũng kêu gọi các nước tài trợ trên thế giới hành động khẩn cấp ngay lúc này.
Theo ông, các nước nên rút lại lệnh cấm xuất khẩu hay các hạn chế cung cấp lương thực qua biên giới bởi điều này sẽ càng dẫn đến tình trạng thiếu hụt lương thực nhiều hơn.
“Chúng tôi cùng nhau có thể ngăn chặn nạn đói lan rộng. Chúng ta cần hành động quyết liệt, nhanh chóng nhưng cũng phải khéo léo” - ông Besley nói.