WHO: Nếu không có biện pháp khác, ít nhất hãy đeo khẩu trang

Ngày 6-4, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo đeo khẩu trang có thể là giải pháp hợp lý để phòng ngừa đại dịch COVID-19 trong trường hợp không thể thực hiện các biện pháp phòng ngừa khác, đài CNA đưa tin.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu trong buổi họp báo ở Geneva rằng: "Các quốc gia có thể cân nhắc sử dụng khẩu trang trong các cộng đồng, nơi các biện pháp khác như rửa tay hay giãn cách xã hội khó thực hiện hơn bởi vì thiếu nước hoặc môi trường sống chật chội".

Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh các quốc gia vẫn nên áp dụng tổng hợp nhiều biện pháp phòng dịch bởi vì "không có giải pháp nào đơn giản nhưng hiệu quả cho mọi vấn đề. Chỉ đeo khẩu trang thôi không thể ngăn chặn đại dịch COVID-19". 

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: REUTERS

Ông Tedros cũng nhắc lại việc sử dụng khẩu trang tràn lan có thể làm nghiêm trọng hơn tình trạng khan hiếm trang thiết bị bảo hộ cho các y bác sĩ đang chống dịch ở tuyến đầu.

Trước đó, Giám đốc điều hành Chương trình ứng phó khẩn cấp của WHO Mike Ryan hôm 4-4 cũng đã khuyến cáo người dân nên sử dụng khẩu trang thông thường và để dành khẩu trang chuyên dụng cho các nhân viên y tế.

Cũng trong buổi họp báo ngày 6-4, ông Tedros chỉ trích mạnh mẽ những quan điểm "phân biệt chủng tộc" của một số nhà khoa học nghiên cứu vaccine ngừa COVID-19 khi họ cho rằng nên đưa vaccine đến thử nghiệm tại các quốc gia châu Phi.

Ông Tedros cho rằng những quan điểm còn mang nặng "tâm lý thuộc địa" và nhấn mạnh châu Phi "không thể và sẽ không trở thành" nơi chỉ để thử nghiệm cho các loại vaccine.

"Thật hổ thẹn và kinh khủng khi nghe những tuyên bố kiểu như vậy từ những nhà khoa học ngay giữa thế kỷ XXI" - ông Tedros nói.

Ông lên án những quan điểm trên và cho biết WHO sẽ đảm bảo không để châu Phi trở thành "chuột bạch" trong cuộc chiến tìm ra vaccine ngừa COVID-19.

Trước đó, đài France24 ngày 3-4 đưa tin các nhà khoa học Pháp đề xuất đưa vaccine ngừa COVID-19 đến thử nghiệm ở châu Phi.

Ông Jean-Paul Mira, Trưởng khoa Điều trị tích cực của BV Cochin (Paris, Pháp), cho rằng nên thử nghiệm vaccine tại châu Phi vì ở đó "không có khẩu trang, không có việc điều trị, không có phòng điều trị tích cực".

Phát biểu trên của ông Mira đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt ngay khi nó được đăng tải lên mạng xã hội. Một hội luật sư ở Morocco còn đang chuẩn bị kiện ông Mira và coi những gì ông này nói là "sự nhạo báng mang tính phân biệt chủng tộc".

Trước những chỉ trích, ông Mira cho rằng những phát biểu của mình đã bị chỉnh sửa. Ông nhấn mạnh việc thử nghiệm có thể được tổ chức ở nhiều nơi và châu Phi "không nên bị bỏ quên" trong cuộc chạy đua sản xuất vaccine.

Tính đến 9 giờ 30 phút sáng 7-4, đại dịch COVID-19 đã xuất hiện ở 209 quốc gia và vùng lãnh thổ, lây nhiễm cho 1.346.566 người và khiến 74.697 bệnh nhân tử vong, theo chuyên trang theo dõi số liệu Worldometer.

Ngoài các nước nghèo ở châu Phi, COVID-19 cũng đã lây lan sang những khu ổ chuột ở Ấn Độ hay các trại tị nạn ở Hy Lạp, những nơi có điều kiện sống khó khăn và tồi tàn. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới