Theo Jounal Online, bé Rosalia Lombardo qua đời vì căn bệnh viêm phổi vào năm 1920 khi mới hai tuổi. Quá đau buồn trước đứa con yểu mệnh của mình, cha em đã quyết định gặp chuyên gia ướp xác Alfredo Salafia nhờ ông ướp thi thể con gái mình. Thi thể Rosalia được bảo quản tại viện bảo tàng Capuchin Catacombs ở Palermo, nước Ý.
Nhờ công nghệ ướp xác bí mật của Alfredo mà sau 100 năm cô bé vẫn giữ được vẻ đẹp ngây thơ, trong sáng và dường như không có nhiều thay đổi. Cô bé nằm trong cỗ quan tài bằng thủy tinh như đang ngủ một giấc dài, những lọn tóc vàng vẫn vương trên má, mái tóc vẫn được cột nơ lụa xinh đẹp.
Xác ướp của Rosalia Lombardo cách đây gần 100 năm. Ảnh: Journal Online
Vì thế, Rosalia Lombardo được người đời đặt cho biệt danh “xác ướp đẹp nhất thế giới” hay “xác ướp được bảo quản tốt nhất thế giới” hoặc “Người đẹp ngủ trong rừng”. Mỗi năm, viện bảo tàng Capuchin Catacombs thu hút hàng triệu lượng khách tham quan để ngắm nhìn cô bé. Thế nhưng, thi thể được bảo quản hoàn hảo của Rosalia chỉ là một phần lý do hấp dẫn du khách. Điều đặc biệt mà người ta trông đợi đó chính là đôi mắt của cô bé.
Đôi mắt của Rosalia được cho là có thể đóng mở vài lần mỗi ngày dù xác ướp đã được gần 100 năm. Điều này khiến du khách vô cùng kinh ngạc. Nguyên nhân được cho là do sự thay đổi nhiệt độ trong phòng, song lý do này chưa đủ thuyết phục. Và nhà nhân chủng học-sinh học Dario Piombino-Mascali đã đưa ra một giả thuyết khác. Ông tin rằng đôi mắt của Rosalia nhấp nháy là do ảo ảnh quang học dưới tác động của ánh sáng chiếu vào từ cửa sổ.
Năm 2009, ông Dario Piombino-Mascali quyết định khám phá quá trình ướp xác sau khi các nhân viên tại viện bảo tàng di chuyển quan tài bằng kính của cô bé, giúp việc quan sát dễ dàng hơn. Khi quan sát đôi mắt cô bé, Piombino-Mascali phát hiện đôi mắt đó chưa bao giờ nhắm hẳn, cũng chưa bao giờ mở hẳn, cứ khép hờ như vậy cả trăm năm nay.
Theo ông, Sở dĩ, người ta nhìn thấy đôi mắt của Rosalia nhấp nháy đó là do ảo ảnh quang học tạo ra dưới tác động của ánh sáng chiếu vào từ cửa sổ kết hợp đôi mắt khép hờ của cô bé.
Khi ánh sáng từ cửa sổ đổi hướng theo thời gian trong ngày, hình ảnh từ mắt ta nhìn đến đôi mắt của cô bé cũng thay đổi. Vì lẽ đó, mỗi ngày chúng ta lại thấy mắt cô bé đóng mở vài lần.
Người ta thấy dôi mắt của Rosalia vẫn còn nhấp nháy là do ảo ảnh quang học. Ảnh: Daily News
Một bí mật khác mà ông Dario Piombino-Mascali phát hiện ra nữa đó là công thức bí mật mà ông Alfredo Salafia dùng để ướp xác bé Rosalia. Nhà nhân chủng học-sinh học này đã tìm gặp người thân của bé Rosalia và tìm thấy tài liệu thuộc sở hữu của nhà ướp xác Salafia.
Theo đó, không phải như những tin đồn trước đó cho rằng các cơ quan nội tạng của bé được thay thế bằng muối mà sự thực hoàn toàn khác. Hình ảnh MRI xác nhận tất cả các bộ phận cơ thể của cô bé hoàn toàn nguyên vẹn.
Các hóa chất được sử dụng vào quá trình ướp xác bao gồm formalin, muối kẽm, cồn, axit salicylic và glycerin. Sự kết hợp của rượu và các điều kiện khí hậu trong hầm mộ làm khô cơ thể Rosalia, từ đó glycerin sẽ làm cơ thể cứng lại thành xác ướp và axit salicylic ngăn chặn sự phát triển của nấm mốc. Còn muối kẽm tạo độ cứng hoàn hảo cho cơ thể và biến cô bé như người sáp.