Mới đây, TAND TP.HCM đã bác kháng cáo của ông LVN (ngụ xã Vĩnh Lộc A, Bình Chánh) - người bị Tổng Công ty Điện lực TP.HCM kiện đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Theo đó, tòa buộc ông N. phải bồi thường hơn 17 triệu đồng cho Tổng Công ty Điện lực TP.HCM nhưng ghi nhận việc tổng công ty chấp nhận cho ông N. trả thành ba kỳ liên tục theo ngày thanh toán tiền điện.
Nhà không số, xài điện không hợp đồng
Trước đó, ngày 21-5-2013, Công ty Điện lực Bình Chánh (đơn vị trực thuộc Tổng Công ty Điện lực TP.HCM) kiểm tra việc sử dụng điện hộ ông N. Kết quả kiểm tra cho thấy hộ ông N. đang sử dụng điện không có hợp đồng mua bán điện, điện kế sử dụng không phải tài sản do ngành điện cung cấp.
Căn cứ vào biên bản vi phạm, Tổng Công ty Điện lực TP.HCM quyết định truy thu tổng số tiền điện và tiền phạt với ông N. là hơn 37 triệu đồng. Sau nhiều lần làm việc, giữa hai bên không tìm được hướng chung nên tổng công ty kiện ra TAND huyện Bình Chánh đòi ông N. bồi thường thiệt hại do vi phạm sử dụng điện.
Ra tòa, ông N. trình bày: Năm 2010, sau khi mua bán đất giấy tay với một người, ông xây căn nhà không số đang ở, đồng thời nhờ nhà thầu lo luôn thủ tục xin lắp đặt điện kế để sử dụng. Đến tháng 11-2010, ông dọn vào sinh sống thì nhà đã kéo điện, có điện kế lắp đặt đầy đủ. Sau đó có tháng ông nhận được phiếu thu tiền điện của công ty điện, có tháng không. Mỗi khi có phiếu báo của công ty điện, ông đều đóng đầy đủ.
Sau khi sử dụng điện được khoảng vài tháng, ông được nhân viên thu tiền điện thông báo số lượng điện tiêu thụ ghi trên hóa đơn thu tiền không đúng với số lượng điện tiêu thụ trong thiết bị đo điện do ông thực tế sử dụng. Ông có liên hệ với Công ty Điện lực Bình Chánh để được giải quyết nhưng không thấy công ty hợp tác, cho đến ngày 21-5-2013 thì công ty xuống kiểm tra, lập biên bản. Đến lúc này ông N. mới biết lâu nay mình xài điện bất hợp pháp.
Với tư cách người liên quan, nhà thầu xây dựng xác nhận có việc lắp điện kế giùm cho ông N. nhưng lại thông qua một người khác làm (không rõ tên và địa chỉ). Nhà thầu không trực tiếp lắp điện kế nên không biết tính pháp lý của điện kế cũng như việc vi phạm sử dụng điện của hộ ông N. Nay để chia sẻ rắc rối của ông N., nhà thầu có thiện chí thay ông N. trả cho phía điện lực 20 triệu đồng.
Phải bồi thường
Xử sơ thẩm hồi cuối năm 2014, TAND huyện nhận định việc đòi bồi thường của Tổng Công ty Điện lực TP.HCM là có căn cứ và thỏa đáng. Ông N. có vi phạm là xài điện không có hợp đồng, sử dụng điện kế không do ngành điện cung cấp. Từ đó, tòa buộc ông N. bồi thường số tiền còn lại là hơn 17 triệu đồng cho Tổng Công ty Điện lực TP.HCM.
Ông N. kháng cáo. Tại phiên xử phúc thẩm, TAND TP.HCM đã cố gắng hòa giải để giảm bớt số tiền bồi thường của ông N. nhưng đại diện Tổng Công ty Điện lực TP.HCM không đồng ý, chỉ chấp nhận cho ông N. trả thành ba kỳ như trên.
Đại diện phía điện lực khẳng định hóa đơn điện mà phía ông N. xuất trình cho tòa không mang tên ông mà mang tên chủ đất cũ, có khả năng là ông N. “mượn hóa đơn” vì chủ đất cũ của ông đứng tên trên nhiều điện kế. Hoặc là ông N. đã đóng tiền cho một hộ khác mà không hay biết. Điện kế của nhà ông N. không nằm trong danh sách quản lý của công ty.
Ông N. nói sau khi phát hiện đồng hồ chạy sai lệch thực tế, ông đã khiếu nại bằng nhiều cách nhưng không được trả lời. Việc không giải quyết sớm, để ông xài điện trong hai năm mới xuống kiểm tra có lỗi một phần của công ty điện lực. Về chuyện này, đại diện Tổng Công ty Điện lực TP.HCM cho biết ông N. chỉ liên hệ đề nghị hướng dẫn thủ tục sang tên đồng hồ điện nhưng không có mã khách hàng, số hợp đồng cụ thể nên công ty điện lực không giải quyết được...
Theo đại diện VKSND TP.HCM, ông N. có lỗi hoàn toàn nên cấp sơ thẩm đã xử đúng. Tòa phúc thẩm đồng ý và bác kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Vì sao chỉ là dân sự? Từ trước tới nay, đã có nhiều vụ người dân kiện công ty điện lực để đòi quyền lợi, còn việc phía điện lực kiện khách hàng đòi bồi thường thiệt hại là khá hiếm hoi. Trong trường hợp này, giữa ông N. và phía điện lực không có hợp đồng mua bán điện, điện kế ông sử dụng cũng không do ngành điện cung cấp. Tuy nhiên, nhà thầu xây dựng thì bảo nhờ người khác lắp điện kế nên không biết tính pháp lý của điện kế. Còn ông N. vào ở khi nhà đã được lắp điện kế sẵn. Ông vẫn sẵn sàng đóng tiền điện mỗi khi có giấy báo, cũng như có các động thái liên hệ phía điện lực làm thủ tục sang tên điện kế... Như vậy, không có cơ sở xác định ông N. và những người liên quan cố tình trộm cắp điện để truy cứu trách nhiệm hình sự nên ngành điện chỉ có cách là kiện dân sự đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Một thẩm phán Tòa Dân sự TAND TP.HCM |