Na Uy có thể được xem là quốc gia đi đầu trong việc xây dựng các hầm lưu trữ đề phòng nguy cơ tận thế.
Hầm chứa hạt giống nuôi cả thế giới
Một căn hầm lưu trữ hạt giống toàn cầu đã được xây dựng bên dưới lớp băng vĩnh cửu tại quần đảo Svalbard, ở giữa Na Uy và Bắc cực. Đây là khu vực phi quân sự và không bị nước biển dâng nên có thể được xem là nơi an toàn để bảo vệ các giống loài thực vật trên thế giới tránh khỏi bị tuyệt chủng do biến đổi khí hậu, thảm họa thiên nhiên hay chiến tranh. Căn hầm này mất một năm để xây dựng với chi phí là 9 triệu USD do chính phủ Na Uy chi trả.
Căn hầm được xây dựng trên sườn núi với lối vào bê tông màu xám dài 120 m ăn sâu vào chân núi. Hầm luôn được giữ ở nhiệt độ không đổi -18°C. Nhờ được xây dựng tại vùng núi tuyết nên ngay cả khi không có điện, nhiệt độ trong hầm sẽ dần ổn định ở mức -8°C, đủ thấp để duy trì chất lượng hạt giống suốt nhiều thập niên. Mỗi hạt giống được đóng gói cẩn thận vào từng túi riêng biệt, sau đó được niêm phong vào những chiếc thùng kín để ngăn chúng tiếp xúc với không khí. Các thùng này sẽ không được phép mở ra, trừ khi cơ quan gửi hạt giống đến yêu cầu.
Theo tạp chí khoa học Wired, kể từ khi được mở cửa vào năm 2008, căn hầm này đã nhận được khoảng 940.000 loại hạt giống của tổng cộng gần 3.800 loài từ 226 quốc gia trên khắp thế giới. Chủng loại hạt giống được gửi đến rất đa dạng, chủ yếu là cây lương thực như bắp, lúa mì, lúa mạch, khoai tây… Căn hầm này được cho là đang đóng vai trò hỗ trợ cho các ngân hàng hạt giống khác trên khắp thế giới, vốn cũng đang lưu trữ các hạt giống nhưng có thể bị chiến tranh và thảm họa tự nhiên đe dọa.
Theo nhà khoa học Cary Fowler, Giám đốc điều hành của Global Crop Diversity Trust (GCDT), tổ chức độc lập quốc tế quản lý hầm lưu trữ, căn hầm này sẽ là nơi bảo tồn đa dạng sinh học thực vật, đảm bảo cho an ninh lương thực trên toàn cầu, giúp thế giới có thể chống chọi với nạn đói có khả năng xảy ra vì các loại cây trồng mất khả năng thích nghi với biến đổi khí hậu. Cũng theo ông Cary Fowler, con người có thể cần đến những hạt giống được lưu trữ trong căn hầm này vào năm 2100.
Tạp chí khoa học Wired dẫn lời ông Tim Wheeler, giáo sư khoa học cây trồng tại Viện Nghiên cứu hệ thống khí hậu Walker thuộc ĐH Reading của Anh, nhận định “hầm Svalbard là nhân tố vô cùng quan trọng trong nỗ lực toàn cầu để bảo vệ các biến thể di truyền được tìm thấy trong các loại cây trồng và họ hàng của chúng”.
Hạt giống được đóng gói cẩn thận vào từng túi riêng biệt, sau đó được niêm phong vào những chiếc thùng kín để ngăn tiếp xúc với không khí. Ảnh: CROP TRUST
Lưu trữ toàn bộ tri thức nhân loại
Ngoài hầm hạt giống toàn cầu, Na Uy cũng vừa xây dựng thêm một hầm mới chuyên chứa dữ liệu của toàn nhân loại, chủ yếu là các tài liệu lịch sử và văn hóa để đề phòng nguy cơ tận thế trên Trái đất. Hầm mới này có tên gọi chính thức “Kho lưu trữ thế giới ở Bắc cực”, nằm ở Svalbard, Na Uy, cách Bắc cực gần 1.000 km. Căn hầm được xây dựng tại một khu mỏ than bị bỏ hoang, gần hầm hạt giống toàn cầu tại Svalbard. Nhiệt độ tại đây luôn được giữ ở mức dưới 0°C. Toàn bộ dữ liệu sẽ được lưu trữ ngoại tuyến và quyền truy cập chỉ được cung cấp khi cần thiết.
Kho lưu trữ thế giới ở Bắc cực đã chính thức được khai trương hôm 27-3. Dự kiến “thư viện” đặc biệt này sẽ là nơi lưu trữ hàng triệu trang hồ sơ, sách vở, thư từ và bản thảo. Các quốc gia trên thế giới được khuyến khích gửi những dữ liệu có tầm quan trọng đặc biệt đối với nền văn hóa của họ tới đây để lưu trữ, chống lại mọi nguy cơ bị phá hủy hay hư hại do tự nhiên hay nhân tạo. Đến nay, Cơ quan Lưu trữ quốc gia Brazil và Thư viện quốc gia Mexico là hai đơn vị đầu tiên gửi tài liệu đến đây. Theo tờ Live Science, Brazil đã gửi đến bản hiến pháp của đất nước trong khi Mexico gửi các tài liệu có từ thời kỳ Inca (thế kỷ 13 đến thế kỷ 16).
Kho lưu trữ do Công ty Piql của Na Uy và một công ty khai thác than đồng thành lập. Trong đó, Công ty Piql đảm nhiệm việc chuyển đổi và lưu trữ các dữ liệu số lên những tấm màng cảm quang đa lớp, nhạy sáng. Tờ Business Insider dẫn lời ông Rune Bjerkestrand, người sáng lập Công ty Piql, cho biết quá trình này tương tự như việc biến dữ liệu thành “các mã QR lớn trên tấm màng”. Piql tuyên bố mỗi tấm màng đặc biệt như vậy dự kiến có tuổi thọ 500-1.000 năm và không thể bị hư hại kể cả khi chịu tác động của các cuộc tấn công.
Theo các tài liệu của Piql, một quốc gia có thể đăng tải các tài liệu, hình ảnh hay nội dung nghe-nhìn lên các máy chủ của công ty. Những dữ liệu này sau đó được chuyển sang tấm màng đặc biệt, được thiết kế chống chịu được bất kỳ sự bào mòn lớn nào. Sau đó chúng được cho vào trong một chiếc hộp an toàn và đặt trong căn hầm được bảo vệ nghiêm ngặt. Chừng nào hệ thống Internet và các máy chủ còn hoạt động, mọi người có thể tìm kiếm các dữ liệu này trực tuyến. Theo yêu cầu của người sử dụng, dữ liệu có thể được truyền tải bằng kỹ thuật số hoặc được vận chuyển dưới định dạng vật lý tùy chọn.
Tờ Gizmodo cho biết phương pháp lưu trữ này không đòi hỏi các thiết bị mã hóa và giải mã (codec), những nỗ lực cập nhật hay các hệ điều hành để giải mã thông tin trong trường hợp hành tinh hứng chịu một thảm họa tàn khốc. Ngay cả về ngắn hạn, phương pháp này có thể hữu ích khi chính phủ một nước muốn lưu trữ những dữ liệu quý giá của họ vào nơi đáng tin cậy.
Loại hầm và kho không thể bị phá hỏng Khí hậu lạnh và khô ở Svalbard, Na Uy là nơi lý tưởng để bảo quản những tấm màng này. Tương tự như hầm hạt giống toàn cầu, kho lưu trữ thế giới ở Bắc cực cũng thuộc khu vực phi quân sự nên ngay cả khi có chiến tranh toàn cầu đe dọa tương lai của nhân loại thì những dữ liệu quan trọng này cũng không thể bị phá hỏng. |