Xung đột Nga-Ukraine ảnh hưởng tới máy bay chiến đấu của Trung Quốc như thế nào?

(PLO)- Cuộc xung đột đang diễn ra giữa Nga và Ukraine có khả năng ảnh hưởng tới quân đội Trung Quốc, đặc biệt là với các tiêm kích của nước này vì Bắc Kinh phụ thuộc quá nhiều vào Moscow.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Cuộc xung đột đang diễn ra giữa Nga và Ukraine có khả năng ảnh hưởng tới quân đội Trung Quốc, đặc biệt là với các tiêm kích của nước này vì Bắc Kinh phụ thuộc quá nhiều vào Moscow.

Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào linh kiện của Nga

Hôm 17-5, các chuyên gia tại hội nghị của Viện Nghiên cứu hàng không vũ trụ Trung Quốc dự đoán rằng Nga sẽ không bảo dưỡng hoặc cung cấp động cơ và linh kiện cho tới 40% máy bay chiến đấu của Trung Quốc. Điều này có khả năng ảnh hưởng tới phi đội của không quân Trung Quốc trong tương lai gần, theo tạp chí Air Force Magazine.

Trực thăng Z-8 của Trung Quốc. Ảnh: WIKIMEDIA COMMONS

Trực thăng Z-8 của Trung Quốc. Ảnh: WIKIMEDIA COMMONS

Trong cuộc thảo luận về hợp tác quân sự giữa Nga và Trung Quốc, các chuyên gia nhấn mạnh rằng Trung Quốc không thể phát triển đầy đủ công nghệ động cơ như những gì nước này đã tuyên bố.

Với việc Nga bận rộn tái trang bị quân đội cho một cuộc chiến kéo dài, Trung Quốc có thể buộc phải tập trung hơn vào phát triển năng lực nội tại.

Chuyên gia David R. Markov của Viện Phân tích quốc phòng nhận định: “Trung Quốc vẫn phụ thuộc vào các linh kiện của Nga và có lẽ sẽ như vậy trong tương lai gần”.

Trên thực tế, Nga đã cung cấp khoảng 4.000 động cơ cho các trực thăng cũng như máy bay quân sự khác của Trung Quốc từ năm 1992 đến năm 2019. Điều này chứng tỏ tầm quan trọng của công nghệ Nga đối với quân đội Trung Quốc.

Giới chuyên gia còn chỉ ra rằng các biện pháp trừng phạt kinh tế từ Mỹ và châu Âu đã cản trở khả năng của Nga trong việc tiếp thu các công nghệ như chất bán dẫn vốn được ngành công nghiệp quốc phòng của Nga sử dụng.

Ông Markov nói: “Tôi cho rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục mua động cơ từ Nga và cũng sẽ rất thú vị khi xem liệu Nga giờ đây có thể cung cấp những động cơ này hay không khi vướng các lệnh trừng phạt quốc tế”.

Cạnh đó ông Markov cho rằng tình hình này khiến Trung Quốc có động lực mạnh mẽ hơn để sử dụng nguồn lực quốc gia nhằm khắc phục vấn đề động cơ mà họ đang gặp phải.

Tại sao Trung Quốc không thể sản xuất động cơ máy bay hiệu quả?

Nhiều năm qua, có nhiều thông tin cho rằng Trung Quốc rất tài giỏi trong việc sao chép công nghệ nước ngoài để sử dụng trong nước. Hầu như mọi máy bay chiến đấu của Trung Quốc đều được mô phỏng theo thiết kế đánh cắp hoặc thiết kế ngược.

Tiêm kích tàng hình thế hệ thứ năm J-20 của Trung Quốc. Ảnh: REUTERS

Tiêm kích tàng hình thế hệ thứ năm J-20 của Trung Quốc. Ảnh: REUTERS

Trung Quốc nghiên cứu trong nhiều năm để phát triển một động cơ nội địa thực thụ cho máy bay chiến đấu nước này. Theo trang The EurAsian Times, Trung Quốc đã thay động cơ của Nga bằng động cơ WS-10 do nước này sản xuất để lắp cho tiêm kích tàng hình J-20.

Tuy nhiên, nhiều báo cáo tuyên bố rằng những động cơ bản địa này vẫn gây thất vọng và không cung cấp đủ lực đẩy so với động cơ của Nga.

Tương tự, chuyên gia Markov lập luận rằng Trung Quốc vẫn thất bại trong sản xuất động cơ máy bay do Nga đã che giấu bí mật công nghệ, bất chấp Trung Quốc có những thành công lớn trong công nghệ quân sự quan trọng giúp sản xuất máy bay tàng hình J-20 và J-31.

Ông Markov nói thêm những khó khăn mà Trung Quốc gặp phải trong lĩnh vực này là do thiếu năng lực trong nước hơn là thiếu nguồn lực được phân bổ cho nỗ lực này. So với Nga, quốc gia thừa hưởng nền tảng sản xuất quốc phòng của Liên Xô, tổ hợp công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc còn khá mới.

Nhiều nhà khoa học, kỹ sư, nhà thiết kế và nhà quản trị sản xuất của Trung Quốc còn ở độ tuổi khá trẻ ngoài 20, 30, điều này giải thích tại sao họ thiếu chuyên môn và kinh nghiệm. Để giải quyết vấn đề này, Bắc Kinh đã ký hợp đồng với các chuyên gia Nga để làm việc bên trong các nhà máy của Trung Quốc.

Tiêm kích Su-35S của Nga chuẩn bị tham gia cuộc tập trận quân sự chung giữa Nga và Belarus tháng 1-2022. Ảnh: ANADOLU AGENCY/GETTY IMAGES

Tiêm kích Su-35S của Nga chuẩn bị tham gia cuộc tập trận quân sự chung giữa Nga và Belarus tháng 1-2022. Ảnh: ANADOLU AGENCY/GETTY IMAGES

“Những gì họ vẫn chưa hiểu là các động cơ hàng không hiện đại, đặc biệt là động cơ máy bay siêu thanh, mang tính nghệ thuật hơn là khoa học” – ông Markov nói.

Ông Markov tiếp tục nói rằng kỹ sư động cơ tại các công ty như Rolls-Royce, Pratt & Whitney và GE có “kiến thức ngầm” mà Trung Quốc không có.

Theo ông Markov, việc Trung Quốc mua tiêm kích Su-35 của Nga là nhằm mục đích tiếp cận động cơ tinh vi, hệ thống điều khiển kỹ thuật số của loại máy bay này.

Trong khi đó, Trung Quốc vẫn đang chế tạo động cơ WS-15 để tăng sức mạnh cho khả năng “siêu hành trình” của tiêm kích J-20. Theo Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV, động cơ WS-15 dường như có hệ số tách dòng (bypass ratio) thấp và điều khiển vector đẩy.

WS-15 được thiết kế để lắp cho tiêm kích thế hệ thứ năm cả máy bay hạng nặng và hạng trung bình. Trung Quốc có kế hoạch tích hợp WS-15 cho J-20, song Bắc Kinh thích hợp lắp đặt động cơ WS-10C hơn do những thất bại trong thử nghiệm đối với WS-15.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm