Đau đầu việc thu hồi tài sản tham nhũng

Hội thảo do Ban Nội chính Trung ương tổ chức mới đây về vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng cho hay số tài sản tham nhũng thu hồi được trong năm 2013 là rất thấp (chưa đến 10%). Trò chuyện đầu tuần với Pháp Luật TP.HCM, ông Hoàng Mạnh Chiến, nhà nghiên cứu độc lập về tội phạm tham nhũng (từng hoạt động trong lĩnh vực điều tra tội phạm tham nhũng), cho biết nhiều báo cáo chính thức khác cũng cho hay số tài sản trong các vụ án tham nhũng được thu hồi rất ít, thậm chí nếu tính giá trị thực chỉ từ 2% đến 3%, tức là như “muối bỏ biển” so với số tài sản thất thoát từ các vụ án này.

Kinh nghiệm của một số nước là phải thu hồi bất cứ tài sản nào của bất cứ ai, kể cả là người trong cơ quan lãnh đạo cao nhất, nếu tài sản đó được hình thành từ tiền bất hợp pháp…” - ông Chiến chia sẻ.

Chứng minh tài sản do tham nhũng rất khó

. Phóng viên: Thưa ông, việc thu hồi tài sản tham nhũng hiện nay là rất khó khăn. Theo ông, nguyên nhân nằm ở đâu?

+ Ông Hoàng Mạnh Chiến: Không chỉ riêng án tham nhũng mà đối với án kinh tế nói chung, dù đã được điều tra, xử lý nghiêm minh, kết quả thu hồi tài sản thường rất hạn chế so với tổng khối lượng tài sản mà các đối tượng đã gây thiệt hại cho Nhà nước, đã chiếm đoạt bất hợp pháp. Khó khăn này không phải riêng có đối với Việt Nam mà nhiều nước khác cũng gặp tình trạng tương tự. Bởi nhìn chung hành vi phạm tội tham nhũng thường được thực hiện trong một khoảng thời gian khá dài; việc phát hiện, điều tra, truy tố xét xử các vụ án kinh tế lớn, trong đó có án tham nhũng thường rất khó khăn và kéo dài. Trong quá trình đó, tài sản nhà nước đã bị thất thoát nhiều, tài sản bị chiếm đoạt đã được hợp thức hóa hoặc chuyển hóa, có nhiều trường hợp gắn với hoạt động rửa tiền,… nên việc chứng minh tài sản nào có nguồn gốc bất hợp pháp đã là khó, thi hành án để thu hồi tài sản cũng rất khó.

 
Tỉ lệ thu hồi tài sản cho Nhà nước trong các vụ việc tham nhũng vẫn còn thấp. Trong ảnh: Xét xử vụ án tham nhũng tại Công ty Cho thuê tài chính II. Ảnh minh họa: HTD

Mặt khác, án tham nhũng thường gắn với những người có chức vụ, quyền hạn. Hầu hết họ là những người có kiến thức chuyên môn, có kinh nghiệm công tác, có nhiều mối quan hệ,… Vì vậy họ tìm mọi cách để đối phó với các cơ quan tiến hành tố tụng.

Bên cạnh đó, pháp luật cũng chưa hoàn thiện nên nhiều khi vụ án được phát hiện, chứng minh được là có hành vi vi phạm pháp luật hình sự nhưng để quy kết đấy là tội tham nhũng thì lại vướng vì khó chứng minh có yếu tố vụ lợi, tư túi… Chính vì vậy việc thu hồi tài sản đối với án tham nhũng nói riêng và án kinh tế nói chung nhìn chung đang là vấn đề gây đau đầu cho các cơ quan thực thi pháp luật và cơ quan quản lý nhà nước.

. Thời gian qua có nhiều vụ việc tham nhũng gây thất thoát nghiêm trọng nhưng thu hồi tài sản là vô cùng khó khăn, nhất là khi tài sản đã được hợp thức hóa, chuyển hóa, “núp bóng” dưới dạng khác. Hiện ta đang gặp “điểm kẹt” nào trong vấn đề này?

+ Có một số hành vi tham nhũng tập thể từ kinh nghiệm thực tiễn Việt Nam và một số nước như hối lộ tập thể, ăn chặn tập thể, lập quỹ đen, buôn lậu tập thể, trốn thuế tập thể, lấy phí tập thể… Từ đó các đối tượng tìm mọi cách biến tài sản công, tài sản tập thể thành tài sản riêng của từng cá nhân trong nhóm tập thể đó. Hiện nay luật hình sự Việt Nam chưa quy định đầy đủ các tội danh về tham nhũng để có thể áp dụng đối với những vụ việc gây thất thoát tài sản nghiêm trọng nhưng lại núp dưới danh nghĩa quyết định tập thể hoặc thậm chí đã có ý kiến của tập thể… Từ đó không cá thể hóa trách nhiệm hình sự được và vụ việc bị thay đổi tội danh, bản chất tội phạm bị thay đổi, thậm chí có vụ bị chìm xuồng hoặc không truy tố được.

Truy thu tới cùng với tài sản tham nhũng

. Theo ông, làm thế nào để thu hồi tài sản tham nhũng được hiệu quả hơn, đối chiếu với kinh nghiệm một số nước làm tốt việc này?

+ Có lẽ không chỉ cần có luật nghiêm mà còn cần có cơ quan điều tra chống tham nhũng thực sự độc lập, đủ quyền năng chăng?… Trung Quốc là một ví dụ điển hình về thu hồi tài sản tham nhũng triệt để, kể cả quan chức cấp cao đến cỡ nào. Người phạm tội bị tịch thu động sản, bất động sản đã đành, còn đến cả bút máy, đồng hồ đắt tiền… cũng bị tịch thu luôn. Người ta không chỉ thu hồi tài sản liên quan của cá nhân người phạm tội tham nhũng mà thu hồi cả tài sản bất hợp pháp của vợ con, “bồ nhí”, anh em, tài sản của doanh nghiệp có liên quan,...

Một kinh nghiệm nữa trong vấn đề thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng là nhiều nước xác định không phải thu hồi tài sản mà là thu hồi giá trị tài sản thực đã bị mất. Bởi vì có những tài sản khi kê khai giá trị như vậy nhưng khi thu hồi giao cơ quan quản lý thì giá trị khối tài sản đó thấp hơn kê khai rất nhiều. Chẳng hạn, chiếc xe hơi được kê khai là mua nhiều tỉ đồng nhưng khi thu hồi vì xe đã qua sử dụng thì giá trị sẽ không còn như ban đầu và khi phát mãi thì giá sẽ còn giảm rất nhiều; hoặc bất động sản bị mất giá, “đóng băng”,… Cách thu của chúng ta như số liệu thống kê hiện nay là thu tài sản chứ chưa hẳn là giá trị tài sản. Vậy nên nếu tính đúng giá trị thực mà hiện Nhà nước lấy lại được từ các vụ án tham nhũng thì theo tôi, con số thu hồi được 10% vẫn là lạc quan.

Từ những kinh nghiệm trên, chúng ta có thể tính toán lại khâu làm luật cho đến khâu thực thi chặt chẽ hơn, xác định tính chất, hành vi để chỉ rõ bản chất tội phạm, cho phép xử lý hình sự nghiêm minh và triệt để hơn.

. Những kẽ hở trong thu hồi tài sản hiện nay liệu có phải là tác nhân làm nảy sinh tâm lý “hy sinh đời bố củng cố đời con” trong các quan chức hay không?

+ Câu nói “hy sinh đời bố củng cố đời con”, trộm nghĩ chỉ là một cách diễn đạt, như một thành ngữ hiện đại về việc có nhiều kẻ bất chấp pháp luật, bất chấp danh dự, sẵn sàng hy sinh vị trí, danh dự của mình để trộm cắp của Nhà nước, thu vén cho cá nhân càng nhiều càng tốt. Đấy là cách diễn tả của xã hội về một hiện tượng xuống cấp, tha hóa về đạo đức... trong một bộ phận cán bộ công chức.

Xét về tâm lý thì thường những kẻ đã dám thực hiện hành vi phạm tội tham nhũng, tức là những kẻ như Đảng và Nhà nước nói là đã bị tha hóa, xuống cấp đạo đức thì lòng tham và ích kỷ sẽ ngày càng nổi lên. Nếu bảo họ biết trước sẽ vào tù, vẫn hy sinh vì người khác, dù là con cái thì không hẳn đã đáng tin. Ở đây phải diễn đạt theo cách khi lòng tham, vì ích kỷ cá nhân đã bất chấp tất cả mà vớ được một khoản tài sản thì giống như con bạc liều mạng. Họ tìm mọi cách che giấu hành vi tham nhũng nhưng nếu lỡ không may bị bắt, họ sẽ nghĩ đằng nào cũng bị vào tù thì cố mà giấu giếm, giữ được tài sản. Đó cũng là cách giải thích vì sao thu hồi tài sản khó, bởi vì họ sẽ tìm cách giấu đi, rửa tiền, phân tán tài sản, tìm cách “đào sâu chôn chặt” ở chỗ nào đó. Họ sẽ tìm cách chối bỏ và không bao giờ khai báo... Mục đích của họ khi đó giống kẻ cùng đường làm càn “cà cuống chết đến đít còn cay”, đằng nào cũng bị phạt tù thì tìm cách giữ lại được tài sản.

. Xin cảm ơn ông.

NGUYỆT HẰNG

 

Bị bãi nhiệm vì dùng tiền công đưa vợ thuê phim xem

Có một ví dụ điển hình là Vương quốc Anh đã bãi nhiệm một nghị sĩ chỉ vì khi đi công cán nước ngoài có vợ đi cùng “đã lỡ” dùng tiền của Quốc hội thanh toán cho việc thuê hai băng hình phim để bà vợ khi ở khách sạn một mình xem…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm