Chiều 4-9, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết đến nay Bộ GTVT vẫn chưa phản hồi kiến nghị của tỉnh về giảm mức thu phí đối với người dân địa phương qua ba trạm thu phí BOT trên địa bàn tỉnh này. “Người dân rất bức xúc về các trạm thu phí BOT ở Bình Định. Tỉnh đã có văn bản phân tích rất cụ thể sự bất hợp lý của các trạm BOT này, đồng thời kiến nghị Bộ GTVT sớm giảm mức thu phí đối với người dân nhưng đến nay Bộ vẫn chưa trả lời. Nếu Bộ GTVT không giải quyết, tỉnh sẽ tiếp tục có văn bản kiến nghị, đồng thời báo cáo Chính phủ” - ông Dũng nói.
Kiến nghị giảm phí 20%-50%
Trước đó, Sở GTVT tỉnh Bình Định có văn bản kiến nghị Bộ GTVT xem xét giảm mức phí qua ba trạm BOT đặt trên địa bàn tỉnh này. Theo đó, tỉnh Bình Định đề nghị giảm phí cho các phương tiện thuộc các huyện An Lão, Hoài Ân, Hoài Nhơn khi qua trạm BOT Bắc Bình Định trên quốc lộ 1 đặt tại huyện Hoài Nhơn; giảm phí cho các phương tiện ở các huyện Phù Mỹ, Phù Cát, Tuy Phước, thị xã An Nhơn khi qua trạm BOT Nam Bình Định trên quốc lộ 1 đặt tại thị xã An Nhơn; giảm phí cho các phương tiện thuộc địa bàn các huyện Tây Sơn, Vĩnh Thạnh khi qua trạm BOT trên quốc lộ 19 đặt tại huyện Tây Sơn.
Cụ thể, tỉnh Bình Định kiến nghị giảm 50% đối với các chủ phương tiện mua vé quý, 40% đối với vé tháng, 20% vé lượt trong phạm vi cách trạm 3 km. Tỉnh Bình Định cũng kiến nghị Bộ GTVT có giải pháp mở dải phân cách giữa tại hai đầu trạm thu phí trên quốc lộ 1 để người dân không có nhu cầu qua trạm được quay đầu xe trước trạm, không phải đóng phí qua trạm hai lần khi muốn quay đầu xe trở lại về phía chiều đường bên kia. Tỉnh đề nghị có chính sách miễn, giảm đối với người dân sống gần trạm thu phí có nhu cầu qua lại thường xuyên.
Vị trí ba trạm thu phí BOT ở Bình Định được tỉnh này kiến nghị giảm phí. Đồ họa: HỒ TRANG
Khoảng cách BOT bất hợp lý
Ông Hồ Quốc Dũng khẳng định khoảng cách giữa các trạm BOT trên địa bàn tỉnh Bình Định bất hợp lý, không đúng quy định khiến người dân bức xúc, phản ứng. Cụ thể, khoảng cách giữa hai trạm thu phí BOT Bắc Bình Định và BOT Nam Bình Định trên quốc lộ 1 chỉ 64 km, trong khi theo quy định tối thiểu phải 70 km. Khoảng cách giữa trạm BOT Nam Bình Định trên quốc lộ 1 đến trạm BOT trên quốc lộ 19 chỉ 34 km.
Theo Sở GTVT tỉnh Bình Định, từ khi triển khai thu phí, Sở đã nhận nhiều ý kiến phản ánh rất gay gắt của cử tri ở các cuộc tiếp xúc cử tri và đại biểu HĐND tại các kỳ họp. Trong đó, chủ yếu người dân phản ứng về khoảng cách giữa các trạm thu phí trên cùng tuyến đường hoặc vị trí đặt trạm chưa hợp lý.
Cùng với đề xuất giảm mức phí, tỉnh Bình Định cũng kiến nghị các bộ GTVT, Tài chính sớm triển khai các giải pháp hiệu quả để quản lý doanh thu, thu phí chặt chẽ, minh bạch đối với các trạm thu phí. Tỉnh cũng yêu cầu các chủ đầu tư BOT tổ chức sửa triệt để hư hỏng công trình, khắc phục các bất cập, điều chỉnh lại tổ chức giao thông tại các nút giao để người dân lưu thông được an toàn, thuận lợi. |
Tiếp xúc với PV Pháp Luật TP.HCM, nhiều doanh nghiệp, người dân ở gần trạm BOT Nam Bình Định cho rằng bị đóng phí oan khi ô tô của họ đi từ cầu Tân An đến ngã tư cầu Bà Di (huyện Tuy Phước) chỉ sử dụng vài trăm mét của quốc lộ 1 nhưng phải đóng phí qua trạm.
Đặc biệt, tại Bình Định, người dân phản ứng rất gay gắt khi sử dụng đường chất lượng thấp nhưng bắt buộc phải trả phí. Thực tế, các quốc lộ 1, 19 đoạn qua Bình Định đã bị hư hỏng nghiêm trọng, kéo dài ngay sau khi đầu tư mở rộng, nâng cấp. Trong đó, quốc lộ 1 mở rộng đoạn qua tỉnh Bình Định bị hư hỏng nặng nhất trong các tỉnh miền Trung.
Dân phải chịu Trong văn bản gửi Tổng cục Đường bộ, Sở GTVT tỉnh Bình Định nêu: “Việc đưa các trạm thu phí vào hoạt động dẫn đến các phương tiện cơ giới đang sử dụng đường chỉ đóng phí bảo trì đường bộ, nay phải trả thêm phí qua các trạm BOT. Từ đó, người sử dụng đường thường có tâm lý phản đối việc thu phí. Phương tiện vận chuyển có yếu tố kinh doanh thì nay phí này sẽ tính vào giá thành sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Suy cho cùng toàn dân phải chịu tất cả phí trên”. Cũng theo văn bản trên, Sở GTVT tỉnh Bình Định cho rằng việc xác định tổng mức đầu tư, tổng dự toán của dự án chưa chính xác (trong đó có dự phòng trượt giá), dẫn đến tính toán thời gian thu phí hoàn vốn một số dự án BOT cao hơn nhiều so với thời gian tính toán lại sau khi quyết toán dự án. Mặt khác, việc quản lý nguồn thu của trạm thu phí dư luận cho rằng chưa chặt chẽ, minh bạch. Ngoài ra, trong quá trình khai thác, đường đã xuống cấp, chậm khắc phục nhưng vẫn thu phí bình thường, chưa có chế tài cụ thể đối với chủ đầu tư. |