Mở đường lớn dọc rạch Xuyên Tâm

Tin từ Sở GTVT TP.HCM vừa cho hay dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm (chảy qua địa bàn quận Bình Thạnh và Gò Vấp) sắp hoàn tất báo cáo nghiên cứu khả thi (do Công ty CP Hà Nội Ngàn Năm thực hiện) để trình UBND TP thẩm định, phê duyệt.

Đường rộng gần 30 m

“Điểm mới của báo cáo lần này so với báo cáo đề xuất ban đầu là mặt đường ven kênh sẽ mở rộng theo tầm nhìn đến năm 2030. Kênh cũng được cải tạo theo hướng để hở toàn tuyến chứ không lắp cống hộp một số đoạn như tính toán trong đề xuất dự án trước đây” - một lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM cho hay.

Theo báo cáo tóm tắt dự thảo phương án nghiên cứu khả thi, đường ven hai bên kênh sẽ được mở rộng 4-6 làn xe (dự kiến một bên bốn làn, một bên sáu làn với chiều rộng 23,1-26,6 m). Rạch sẽ để hở toàn tuyến với mặt cắt khoảng 10-25 m.

Theo nguồn tin, tổng mức đầu tư dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm dự tính khoảng 5.272 tỉ đồng. Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng hơn 1.100 tỉ đồng. Dự án được thực hiện thông qua hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao). Nhà đầu tư sẽ thu hồi số tiền đầu tư bằng việc khai thác quỹ đất ven đường để xây chung cư, văn phòng…

Mô phỏng tuyến đường được mở rộng dọc rạch Xuyên Tâm. Nguồn: Dự thảo báo cáo nghiên cứu khả thi dự án

 

Tuyến rạch Xuyên Tâm bắt nguồn từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè,  chảy qua địa bàn quận Bình Thạnh, Gò Vấp. Ảnh: TT

Cải tạo hở là hợp lý

Tuyến rạch Xuyên Tâm cải tạo được xác định gồm ba nhánh. Nhánh 1 gồm rạch Cầu Sơn, rạch Long Vân, rạch cầu Bông. Các con rạch này chảy từ cầu Bùi Đình Túy và cầu Sơn về cầu Bùi Hữu Nghĩa thông ra Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Nhánh 2 bắt đầu từ Rạch Lăng, chảy từ hai đầu: Bùi Đình Túy và đường Lương Ngọc Quyến về ngã ba cầu Đỏ và chảy ra sông Sài Gòn theo rạch Thủ Tắc.

Nhánh 3 là rạch Lăng chảy từ Lương Ngọc Quyến lên sông Vàm Thuật theo ranh giới giữa quận Gò Vấp và quận Bình Thạnh. Tổng chiều dài toàn tuyến rạch Xuyên Tâm là 8,15 km, chảy qua địa bàn quận Bình Thạnh và Gò Vấp.

Trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM, ông Ngô Quang Mãnh, nguyên Giám đốc Khu Quản lý đường thủy nội địa, Sở GTVT TP, người từng phản đối phương án lắp cống trên rạch Xuyên Tâm, cho rằng phương án cải tạo kênh theo hướng để hở toàn tuyến là hợp lý. Tuy nhiên, theo ông Mãnh, cần phải nghiên cứu kỹ về kết nối dòng chảy trong lưu vực để sau khi cải tạo, chất lượng nước kênh được cải thiện, góp phần cải thiện môi trường sống ven kênh.

Cầu trên rạch xử lý sao?

Theo dự thảo báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, đối với bốn cây cầu lớn hiện hữu ven rạch như cầu Rạch Lăng (đường Phạm Văn Đồng), cầu Băng Ky (đường Nơ Trang Long), cầu Đỏ (đường Nguyễn Xí) và cầu Chu Văn An (đường Chu Văn An) được sử dụng làm mặt đường trong thiết kế nút giao.

Đối với các cầu còn lại là những cầu có quy mô và tải trọng thiết kế nhỏ hoặc đã xây dựng từ lâu như cầu Long Vân, cầu Nguyễn Xuân Ôn, cầu Bùi Đình Túy, cầu Đinh Bộ Lĩnh... được tháo dỡ. Thay vào đó là hệ thống sàn bê tông cốt thép hoặc cống hộp có khẩu độ phù hợp với quy mô thiết kế thoát nước.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm