Đình chỉ ‘ăn gian’ để né bồi thường oan

Theo hồ sơ, bà Huỳnh Thị Mận (phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) có thửa đất gần 100 m2 ở gần bờ sông, không có giấy đỏ. Đầu năm 2010, thấy mảnh đất này bị xói lở nhiều nên bà Mận nhờ người cháu là Huỳnh Đức Tài (cán bộ UBND phường Hòa Quý) tìm người bán giùm với giá khoảng 60 triệu đồng.

Bán một đằng, mua một nẻo?

Do quen biết từ trước, Tài tìm Võ Thanh Dũng nhờ người này giới thiệu giùm. Dũng tự tìm hiểu và nói chỉ mua được mảnh đất với giá khoảng 40 triệu đồng. Đồng thời, Dũng nói Tài về bảo bà Mận phôtô giấy đỏ đưa cho Dũng xem.

Sau đó Dũng đồng ý mua mảnh đất trên với giá 50 triệu đồng. Mặc dù thỏa thuận mua bán mảnh đất gần bờ sông nhưng khi làm giấy cam kết chuyển nhượng đất, Dũng lại nhờ vợ mình viết chuyển nhượng thửa đất số 892 (diện tích 948 m2, giấy đỏ mang tên Huỳnh Thị Mận), trong đó có dấu điểm chỉ của bà Mận và chữ ký của con gái bà (là người bị tâm thần) cùng chữ ký của đứa cháu ngoại bà (sinh năm 1995). Ngoài ra, Dũng còn mượn giấy đỏ (bản chính), hộ khẩu, CMND của bà Mận nói để làm thủ tục sang tên.

Sau khi hoàn tất thủ tục, gần một năm sau thì con gái bà Mận từ Đà Lạt về tranh chấp đất.

Tháng 3-2011, Công an quận Ngũ Hành Sơn đã mời Dũng đến làm việc cùng với gia đình bà Mận. Theo đó, Dũng đồng ý đưa cho gia đình bà Mận 1,26 tỉ đồng cùng 50 triệu đồng tiền mua đất trước đó.

Võ Thanh Dũng cho rằng mình vô tội vì không hề lừa ai trong vụ mua bán đất. Ảnh: TT

Đề nghị truy tố đến 15 năm tù

Tháng 8-2012, cơ quan điều tra (CQĐT) Công an quận Ngũ Hành Sơn ra quyết định khởi tố bị can và ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Võ Thanh Dũng.

Sau nhiều lần đình chỉ rồi phục hồi điều tra, tháng 12-2013, công an có kết luận điều tra đối với vụ án này. Theo đó, để làm thủ tục sang tên chuyển nhượng, Dũng đã có những thủ đoạn gian đối như không thông qua bà Mận, trực tiếp viết, nhờ người lăn tay, điểm chỉ, ký hộ vào các văn bản kê khai theo quy định để cấp đổi sổ mới thửa đất 892. Đồng thời, lợi dụng sự thiếu trách nhiệm, làm sai quy định của một số cán bộ UBND phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn) và Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất quận này, Dũng đã làm thủ tục tách thửa. Sau đó Dũng chuyển nhượng cho bảy người khác nhằm chiếm đoạt tài sản của bà Mận. Giá trị tài sản chiếm đoạt được xác định là hơn 426 triệu đồng. Sau khi chuyển nhượng thành công, Dũng còn cho Tài 8 triệu đồng.

CQĐT cho rằng hành vi của Dũng đã đủ yếu tố cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điểm a khoản 3 Điều 139 BLHS (khung hình phạt từ bảy đến 15 năm tù).

Miễn tội vì không còn nguy hiểm nữa (?!)

Đầu năm 2014, VKSND quận Ngũ Hành Sơn có cáo trạng truy tố Dũng và chuyển hồ sơ vụ án sang TAND cùng cấp để xét xử. Tuy nhiên, TAND quận Ngũ Hành Sơn đã trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung.

Tháng 8-2014, VKSND quận Ngũ Hành Sơn ra quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can đối với Dũng. Quyết định đình chỉ nêu rõ hành vi của Dũng đã đủ yếu tố cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tuy nhiên, theo viện, sau khi bị đại diện gia đình bà Mận tố cáo, Dũng đã nhận thức được hành vi phạm tội của mình nên đã tự nguyện thỏa thuận bồi thường thiệt hại cho gia đình bà Mận hơn 1,2 tỉ đồng. Gia đình bà Mận đã xin rút đơn khiếu nại, tố cáo đối với Dũng và cam đoan sẽ không có khiếu nại, khiếu kiện gì về sau. Những người được chuyển nhượng quyền sử dụng đất của lô đất trên (từ Dũng) là ngay tình, hiện đang sử dụng ổn định. Cho đến nay, xét thấy hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa nên miễn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Dũng.

Từ đó, VKSND quận Ngũ Hành Sơn căn cứ vào khoản 1 Điều 25 BLHS để đình chỉ điều tra đối với Dũng. Điều này có nghĩa Dũng không được xin lỗi, bồi thường oan.

* * *

Theo chúng tôi, hành vi của Dũng hoặc có tội hoặc không chứ không thể nói do “chuyển biến của tình hình” mà hành vi này không còn nguy hiểm cho xã hội nữa. Bởi hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì lúc nào cũng nguy hiểm cho xã hội cả, bằng chứng là từ khi được ban hành lần đầu đến nay BLHS vẫn luôn quy định về tội danh này.

Phải minh oan sòng phẳng, rõ ràng

Trong vụ án này cần làm rõ có hay không việc Dũng biết bà Mận bán mảnh đất này nhưng cố tình gian dối để lấy mảnh đất khác. Nếu Dũng biết mà vẫn gian dối tìm cách lừa đảo thì hành vi này mới cấu thành tội phạm. Còn nếu không thì đây chỉ là nhầm lẫn đối tượng giao dịch, dẫn đến giao dịch bị vô hiệu, tức đây thuần túy chỉ là quan hệ dân sự. Đó là chưa nói CQĐT chưa làm rõ mối quan hệ giữa Tài, Dũng và các bên liên quan đến các giao dịch sang nhượng đất đai này như thế nào.

Theo tôi, nếu không đủ chứng cứ kết tội thì phải đình chỉ và minh oan cho Dũng chứ không thể nói hành vi lừa đảo không còn nguy hiểm cho xã hội nữa, nói như thế là không thuyết phục. Giả sử Dũng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì tại thời điểm năm 2011 so với thời điểm hiện nay chẳng có “chuyển biến của tình hình” nào khiến cho “hành vi” ấy hay bản thân Dũng không còn nguy hiểm cho xã hội nữa. Nếu cho rằng việc thỏa thuận Dũng trả lại số tiền (là giá trị mảnh đất) cho bà Mận là “chuyển biến của tình hình” thì lại càng không xác đáng.

Tôi cho rằng đây là một tiền lệ rất đáng lo ngại khi các cơ quan tố tụng vận dụng tùy tiện quy định của pháp luật để tránh né bồi thường oan.

Luật sư LÊ CAO, Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng

“Tôi có lừa đảo ai đâu”

Cho rằng mình bị khởi tố oan rồi bị VKS đình chỉ sai để né tránh trách nhiệm bồi thường, suốt thời gian dài Võ Thanh Dũng gửi đơn kêu oan khắp nơi nhưng chưa được giải quyết. “Tôi hoàn toàn ngay tình khi mua mảnh đất này. Lúc kêu bán, Tài nói rõ với tôi là bán mảnh đất ở thửa 892 và cũng đưa giấy tờ liên quan đến mảnh đất này cho tôi xem. Khi trả lại giấy tờ, Tài có viết và ký tên ghi rõ rằng đã nhận lại giấy tờ. Vậy thì tôi lừa đảo ai bây giờ?” - Dũng bức xúc.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

(PLO)- Cáo trạng xác định có hơn 6.600 khách hàng đã ký hợp đồng đầu tư trái phiếu, hợp đồng chuyển nhượng và bị Tập đoàn Tân Hoàng Minh chiếm đoạt 8.600 tỉ đồng.

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

(PLO)- Chậm chân, vướng quy hoạch nên không thể chuyển mục đích sử dụng đất khiến hai mảnh đất liền kề chênh lệch 10 lần về giá bồi thường vì bên đất nông nghiệp, bên đất ở. Đây là thực tế đáng suy ngẫm về công tác quy hoạch và chính sách bồi thường...

Trẻ em bao nhiêu tuổi phải đội mũ bảo hiểm?

Trẻ em bao nhiêu tuổi phải đội mũ bảo hiểm?

(PLO)- Trẻ em khi đến tuổi theo quy định, nếu không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông thì người điều khiển phương tiện sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, theo Nghị định 100/2019.