Cuộc họp thượng đỉnh bàn cách kiềm chế tham vọng hạt nhân Triều Tiên sẽ diễn ra ở Vancouver (Canada) vào ngày 16-1 (giờ Canada) với sự tham gia của các quan chức cấp cao từ 20 nước. Cuộc họp do Canada và Mỹ đồng chủ trì.
Theo một nguồn tin chính phủ Canada tiết lộ với Reuters thì cuộc họp sẽ bàn cách để các nước thực hiện triệt để các nghị quyết trừng phạt của Liên Hiệp Quốc lên Triều Tiên, tăng áp lực kinh tế và ngoại giao kiềm chế chương trình hạt nhân nước này. Bên cạnh đó, theo các quan chức Mỹ, cuộc họp cũng sẽ bàn cách tăng cường an ninh hàng hải xung quanh Triều Tiên nhằm ngăn chặn tàu có ý đồ vi phạm trừng phạt.
Cuộc đàm phán liên Triều đầu tiên trong hơn hai năm, diễn ra vào ngày 9-1. Ảnh: YONHAP
RT dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết cả Nga và Trung Quốc đều không dự cuộc họp, mà sẽ chỉ được thông báo về kết quả. Nga và Trung Quốc chủ trương giải quyết khủng hoảng Triều Tiên thông qua đối thoại. Giữa năm 2017, hai nước đề xuất kế hoạch “phong tỏa đôi”: Triều Tiên ngưng các chương trình hạt nhân, tên lửa, đổi lại Mỹ và các đồng minh ngưng tập trận trong khu vực. Tuy nhiên phía Mỹ đã phản đối.
“Chúng tôi và Trung Quốc không được mời. Nhưng chúng tôi có được báo rằng: Cuộc họp sẽ diễn ra vào tối hôm nay, phiên họp chính là vào ngày 16, nếu tính giờ Trung Quốc là tối 16, chúng tôi sẽ thông báo những điều đã thống nhất được. Điều này rõ ràng không thể chấp nhận được” - ông Lavrov nói trong cuộc họp báo ngày 15-1.
Theo thông tin từ RT, sự thực là Nga và Trung Quốc có được “hoan nghênh” đến tham gia phần cuối của cuộc họp - chủ yếu để nghe thông báo kết quả. Tuy nhiên, đề xuất này bị cả hai nước chỉ trích và bác bỏ.
“Cân nhắc mọi khía cạnh, tôi không chờ mong sẽ có kết quả gì tích cực. Dù sao cũng hy vọng sẽ không gì gây tác dụng ngược xảy ra” - ông Lavrov tiên liệu cuộc họp.
Trong khi đó, theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng, cuộc họp không có mặt các nhà hòa giải chính khủng hoảng Triều Tiên sẽ chỉ gây chia rẽ trong cộng đồng quốc tế và gây hại các nỗ lực chung nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Trước đó Trung Quốc đã cảnh cáo Mỹ và Canada duy trì cách suy nghĩ thù địch giống thời chiến tranh lạnh.
Theo nhiều nhà ngoại giao, cuộc họp sẽ chỉ đạt được kết quả hạn chế khi không có mặt Trung Quốc, đồng minh và là đối tác thương mại chính của Triều Tiên.
Vòng cung ở Bình Nhưỡng (Triều Tiên) được xây theo biểu tượng thống nhất. Ảnh: REUTERS
Từ năm 2006 đến nay Hội đồng Bảo an LHQ (HĐBA) đã ra cả chục nghị quyết trừng phạt Triều Tiên vì các chương trình tên lửa, hạt nhân nước này, với độ cứng rắn ngày càng cao. Nghị quyết mới nhất thông qua tháng trước được cho là cứng rắn nhất trước nay, nhằm hạn chế nguồn cung các sản phẩm dầu mỏ, dầu thô và nguồn ngoại tệ từ công nhân làm việc nước ngoài. Tuy nhiên, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un không có dấu hiệu sẽ chịu thua áp lực trừng phạt.
Dù lo ngại về nguy cơ chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên có phần giảm đi sau vòng đàm phán liên Triều đầu tiên vào tuần trước sau hơn hai năm, căng thẳng quanh chương trình tên lửa Triều Tiên vẫn rất cao.
Với nhiều chuyên gia chính sách, trừng phạt Triều Tiên là con dao hai lưỡi. Theo Giám đốc chương trình chính sách Mỹ-Hàn tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ Scott Snyder, nếu Triều Tiên cảm nhận các lệnh trừng phạt siết chặt giống như phong tỏa thì nước này có thể xem đó là hành động chiến tranh.