Cấy tóc cho bệnh nhân bị… lộ xương sọ

“Do sơ suất trong lúc thao tác thiết bị nên tôi bị điện giật và bỏng nặng. Khi tỉnh dậy trong bệnh viện (BV), tôi thực sự buồn nản khi biết mình bị mất mảng da rộng trên đầu. Không chỉ vậy, do độ bỏng quá sâu nên lộ cả vùng xương sọ đến nỗi không ai dám nhìn. May được các bác sĩ (BS) của BV Nhân dân 115 (TP.HCM) cứu chữa và điều trị kịp thời, đầu của tôi trở lại hình dáng bình thường, tóc cũng đã mọc nhiều" - anh PQP (23 tuổi, ở tỉnh Bến Tre) xúc động nói trong lần tái khám tại BV Nhân dân 115 gần đây.

Nguy cơ hoại tử rất cao

Tất cả BS, điều dưỡng tham gia điều trị cho anh P. đều nở nụ cười hạnh phúc khi nhìn mái đầu tròn trịa, đầy tóc của anh. “Đây cũng là trường hợp đầu tiên một bệnh nhân bị lộ xương sọ do bỏng điện và chúng tôi đã điều trị thành công. Từ kết quả này, chúng tôi sẽ mạnh dạn áp dụng đối với những trường hợp tương tự để giúp bệnh nhân không mặc cảm khi đầu thiếu da, thiếu tóc” - BS Vũ Minh Đức, khoa Chấn thương chỉnh hình BV Nhân dân 115, chia sẻ.

Bệnh nhân P bị mất da đầu, lộ cả xương sọ do bỏng điện.

Bệnh nhân P. bị mất da đầu, lộ cả xương sọ do bỏng điện. Ảnh : MINH ĐỨC

BS Đức kể lại: “Trước đó, anh P. được đưa vào BV trong tình trạng bị bỏng vùng đỉnh chẩm do điện giật, da đầu bị hoại tử nặng. Các BS nhanh chóng tiến hành cắt lọc vùng da bỏng bị hoại tử để tránh gây nhiễm trùng toàn thân. Sau bảy ngày cắt lọc, phần xương sọ lộ ra nhìn rất rõ”.

BS Đức giải thích thêm, bỏng điện là loại tổn thương đặc biệt. Khi nạn nhân bị điện giật, dòng điện đi toàn cơ thể nên gây tình trạng bỏng, tổn thương xương sọ và mạch máu của cả da đầu.

Trước đây khi kỹ thuật vi phẫu chưa ra đời, các BS thường đục bỏ lớp xương sọ phía ngoài. Tiếp theo phải chờ khoảng thời gian dài cho lên mô hạt rồi mới tiến hành ghép da. Tuy nhiên có trường hợp lớp trong xương sọ của bệnh nhân cũng có thể bị cháy do điện, để lâu xương sọ có thể hoại tử hoàn toàn. Chưa hết, lớp màng cứng bên trong cũng sẽ hoại tử khiến vi trùng xâm nhập gây viêm não, màng não và bệnh nhân sẽ tử vong.

Lấy da đầu… cứu cái đầu

Thông thường để cứu những trường hợp tương tự bệnh nhân P., BS dùng các vạt mạc nối lớn, vạt cơ lưng rộng, vạt đùi trước ngoài… để che phủ phần xương sọ bị lộ.

Tuy nhiên, vì là các vạt da tự do phải nối động mạch và tĩnh mạch nên thời gian phẫu thuật kéo dài. Sau mổ lại phải sử dụng rất nhiều thuốc chuyên biệt gây tốn kém và nguy hiểm cho bệnh nhân. Nếu sử dụng các vạt da có cuống mạch như vạt cẳng tay ngoài thì hai tay phải quàng lên đầu và cố định tại chỗ, gây nhiều bất tiện cho bệnh nhân khi ăn uống và chăm sóc bản thân. Hơn nữa, nếu sử dụng các vạt da nói trên để che phủ xương sọ thì tóc không thể mọc khiến bệnh nhân dễ mặc cảm.

“Chính vì những bất tiện nói trên nên BS của BV Nhân dân 115 mạnh dạn sử dụng vạt da đầu tại chỗ để che phủ khuyết hổng da đầu cho anh P. Phương pháp này cũng được thực hiện lần đầu tại BV” - BS Đức nói.

Sau sáu tuần điều trị, xương sọ bị lộ của anh P đã được che phủ và tóc mọc khá nhiều.

Sau sáu tuần điều trị, xương sọ bị lộ của anh P đã được che phủ và tóc mọc khá nhiều. Ảnh: TRẦN NGỌC

“Kỹ thuật vi phẫu được áp dụng để che phủ phần xương sọ bị lộ của anh P. Vạt da đầu dùng che phủ có kích thước khá rộng, có cuống mạch là hai động mạch thái dương nên không phải nối ghép mạch máu. Thời gian phẫu thuật không kéo dài, chỉ độ ba tiếng và bệnh nhân có thể xuất viện sớm. Điều quan trọng vạt da này có tóc và tóc sẽ mọc dài trong thời gian ngắn, giúp bệnh nhân tự tin khi giao tiếp” - BS Đức nói thêm.

Sau khi tôi bị nạn, bạn bè và người thân nghĩ rằng tôi sẽ mang vết sẹo trên đầu suốt đời. Thế nhưng sau khi điều trị, mọi người bất ngờ khi thấy đầu tóc tôi vẫn bình thường. Giờ đây tôi có thể đến chốn đông người mà không phải đội mũ để che những khiếm khuyết trên đầu.

Bệnh nhân PQP

             

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm