Dân Sài Gòn phập phồng lo tết… ngập

Đến tết lại lo ngập. Đó là tâm trạng chung của nhiều người dân ở TP.HCM, nhất là những khu vực ven sông Sài Gòn. Sau những sự cố bung, chênh cống ngăn triều gây ngập nặng tại địa bàn quận 12 và Thủ Đức mới đây thì nỗi lo sợ ấy lại tăng cao.

Triều chưa cao đã nhiều thiệt hại

Ông Nguyễn Danh, chủ vườn mai vừa bị ngập nước ở phường Tam Phú (quận Thủ Đức) cách đây mấy ngày, bày tỏ: “Hàng trăm gốc mai đã bị ngập. Nếu những chậu mai này không nở hoa đúng dịp tết thì thiệt hại sẽ rất lớn”.

Với kinh nghiệm nhiều năm trồng mai, ông Danh không khỏi lo lắng vì đợt triều vừa qua nước không cao (dưới 1,45 m) nhưng cống ngăn triều đã xảy ra sự cố, gây ngập trên diện rộng. “Từ nay đến tết, triều cường còn cao hơn. Nếu bờ bao, cống ngăn triều lại xảy ra sự cố, gây ngập sâu thì chủ những vườn mai ven sông sẽ trắng tay” - ông Danh thắc thỏm.

Anh Bình, chủ một vườn mai cách bờ sông Sài Gòn khoảng 1 km (phường Thạnh Lộc, quận 12), cho biết những đợt triều vừa qua, nước cũng gây ngập khu vực này nhưng do chậu mai kê cao nên chưa bị ngập. “Khu vực này trước đây ít ngập lắm, không hiểu sao bây giờ lại ngập. Theo quan sát của tôi, hình như cống ngăn triều bị sự cố nên nước ở ngoài sông mới “luồn” vào trong này” - anh Bình nhận định.

Về sự cố bung cống ngăn triều Tầm Vu và hư hỏng cống ngăn triều Cán Dù (quận 12) mới đây, một thành viên của Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn cứu hộ (PCLB&TKCNCH) TP.HCM cho biết sự cố này gây ngập khoảng 7 ha của phường Thạnh Xuân và Thạnh Lộc (quận 12). Ước tính có khoảng 80 hộ dân bị ảnh hưởng bởi đợt ngập này nhưng thiệt hại hiện chưa thống kê đầy đủ.

Trong khi đó, UBND quận 12 cho biết trong tháng 10-2016, tại địa bàn phường Thạnh Lộc, Thạnh Xuân cũng xảy ra nhiều sự cố ở các tuyến đê bao và cống ngăn triều. Cụ thể, tại phường Thạnh Lộc các sự cố gây ngập khoảng 260 hộ dân. Tại phường Thạnh Xuân, có khoảng 10 ha bị ngập, có 4 ha rau muống bị ảnh hưởng và 143.000 con cá cảnh bị thiệt hại. Không tính thiệt hại về rau muống thì người dân ở phường Thạnh Xuân bị thiệt hại hơn 89 triệu đồng.

Nhiều vườn mai ven sông Sài Gòn đã bị ngập dù đỉnh triều trong thời gian qua không  quá cao. Ảnh: CTV

Nhiều cống ngăn triều ở tuyến đê bao sông Sài Gòn đã bị nước tràn qua dễ dàng. Ảnh: KB

Cả bờ tả, bờ hữu đều lo

Tại địa bàn quận Thủ Đức, đợt triều vào giữa tháng 11-2016 cũng gây ngập một khu vực rộng bên sông Sài Gòn thuộc địa bàn phường Hiệp Bình Phước. Cụ thể, có khoảng 1,5 ha đất trồng mai bị ngập úng, hư hại. Đoạn bờ sông bị sạt lở khiến nước tràn vào gây ngập được xác định thuộc dự án của Công ty Cổ phần Đầu tư Địa ốc Vạn Phúc. Hiện đoạn bờ này đã được khắc phục, cơi nới nhưng người dân vẫn chưa yên tâm vì nguy cơ sạt lở vẫn có thể xảy ra.

Một cán bộ Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống lụt bão TP.HCM cho biết hiện nay ven sông Sài Gòn cả phía bờ tả và bờ hữu vẫn còn nhiều đoạn không đảm bảo ngăn triều, có nguy cơ nước có thể tràn vào gây ngập. Phía bờ hữu sông Sài Gòn có các địa phương chứa nguy cơ ngập cao, nhất là phường Thạnh Lộc, Thạnh Xuân, An Phú Đông (quận 12). Phía bờ tả sông Sài Gòn, các địa phương có nguy cơ ngập cao là phường Hiệp Bình Chánh và Hiệp Bình Phước (quận Thủ Đức).

Ngoài ra, trong tháng 12-2016, UBND quận 12 đã tổ chức kiểm tra tuyến đê bao bờ hữu (dự án đê bao bờ hữu sông Sài Gòn) và ghi nhận còn rất nhiều đoạn đê trũng thấp có nguy cơ khi triều lên nước sẽ tràn qua gây ngập. Trong khi đó, nhiều cống ngăn triều trên tuyến đê bao này vẫn còn khiếm khuyết, hư hỏng, không đảm bảo ngăn triều, nhất là trong dịp tết, khi đỉnh triều lên cao.

Ông Nguyễn Ngọc Công, Giám đốc Trung tâm Điều hành các chương trình chống ngập TP.HCM, cho biết sau sự cố ở cống ngăn triều gây ngập ở quận 12, trung tâm chống ngập đã đề nghị ban quản lý dự án đầu tư xây dựng (thuộc trung tâm chống ngập) và các đơn vị liên quan khẩn trương kiểm tra, rà soát tình trạng hư hỏng ở các tuyến đê bao và cống ngăn triều ở dự án đê bao bờ hữu sông Sài Gòn để kịp thời sửa chữa, không để xảy ra tình trạng ngập úng dịp tết.

Theo ông Công, hiện nay trên tuyến đê bao bờ hữu sông Sài Gòn có nhiều bến bãi tập kết vật liệu xây dựng nên các phương tiện xe cơ giới ra vào thường xuyên, gây ảnh hưởng không nhỏ đến công trình. Do đó, trong thời gian tới trung tâm sẽ tham mưu cho UBND TP có phương án chấn chỉnh tình trạng này.

Còn bốn đợt triều cao

Theo Ban Chỉ huy PCLB&TKCNCH TP.HCM, từ nay đến tết Nguyên đán trên địa bàn TP còn hai đợt triều cường. Do đó, các vị trí đê bao xung yếu ven sông Sài Gòn cần phải được kiểm tra thường xuyên. Các địa phương bị ảnh hưởng phải tổ chức tập kết vật tư, chuẩn bị lực lượng sẵn sàng ứng phó với những đợt triều cường này để người dân yên tâm đón tết.

Một lãnh đạo Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP.HCM cho biết hằng năm vào dịp tết Nguyên đán đỉnh triều thường lên cao hơn các tháng khác trong năm. Có năm đỉnh triều trên sông Sài Gòn hơn 1,65 m. Do đó, đây là thời điểm dễ xảy ra các sự cố vỡ ở các tuyến đê bao và cống ngăn triều ven sông.


Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy