Nằm ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, TP.HCM có những bước phát triển vượt bậc trong nhiều thập niên qua. Tuy nhiên, bên cạnh các thành tựu to lớn, người dân đang phải đối mặt với vấn nạn ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm nguồn nước sông, ao, hồ, kênh rạch, rác thải, khí thải... Để giải quyết tình trạng này, ngoài vai trò của Sở TN&MT TP.HCM rất cần sự chung sức của hệ thống chính trị và cộng đồng.
Tăng hiệu quả tái chế thông qua 3T
Hiện mỗi ngày TP.HCM phải xử lý hơn 9.000 tấn rác thải sinh hoạt trong khi diện tích đất chôn lấp rác có hạn. Do vậy, việc tái chế các rác thải là hướng giải quyết căn cơ để chúng ta cùng nhau giữ gìn TP xanh sạch đẹp. Theo đó, công việc tái chế có thể hiểu và thực hành thông qua cụm từ “3T”, bao gồm:
Tiết giảm, bạn có thể sử dụng các thiết bị tiết kiệm năng lượng điện và nước. Chẳng hạn như sử dụng loại bóng đèn tiết kiệm điện. Khi mua hàng, bạn có thể dùng bao bì tái chế, hạn chế dùng bao nylon.
Tái sử dụng, nghĩa là bạn có thể tái sử dụng sản phẩm cho lần sau thay vì vứt bỏ đi. Điều này giúp hạn chế rác thải bỏ ra môi trường trong khi nó vẫn còn có ích cho cuộc sống ta. Ví dụ như dùng những sản phẩm có chất lượng tốt, có thể sửa chữa khi hỏng; dùng pin sạc nhiều lần; tận dụng cả hai mặt giấy; dùng bao bì sử dụng nhiều lần…
Tái chế, nghĩa là biến các đồ vật, vật liệu đã qua sử dụng thành đồ dùng mới. Chúng ta vẫn thường thấy nhiều sản phẩm có thể tái chế trong gia đình như chai thủy tinh, chai nhựa, giấy các loại, giấy báo, lon nhôm…
Người phụ nữ đang thu gom rác trên kênh
Một vấn đề chung bạn hãy nhớ về 3T là cố gắng giảm lượng rác thải. Trước khi bỏ một vật gì đó vào thùng rác, hãy tự hỏi rằng chúng ta có thể tái sử dụng vật này hay không; nên tái chế càng nhiều rác thải càng tốt, nên phân loại rác có thể tái chế thành giấy, thủy tinh, kim loại, nhựa… Những việc làm này tuy đơn giản nhưng cũng góp phần lớn để bảo vệ môi trường. Chỉ cần bạn chú ý một chút là chúng ta có thể làm cho TP ngày càng sạch, đẹp hơn. (Theo Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức – GIZ)
Tăng cường truyền thông về môi trường
Nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường và nâng cao ý thức của người dân, hằng năm Sở TN&MT TP.HCM xây dựng, duy trì tổ chức các chương trình truyền thông về bảo vệ môi trường và kêu gọi sự tham gia của cộng đồng.
Đơn cử như: phong trào khu phố không rác, các mô hình khu nhà trọ xanh, sạch, đẹp; con hẻm xanh, sạch, đẹp; CLB phụ nữ tham gia bảo vệ trường; phong trào toàn dân tham gia bảo vệ môi trường… được người dân hưởng ứng và mang lại hiệu quả tích cực.
Sự lan tỏa, tác động mạnh mẽ của các hoạt động trên đã thu hút đông đảo người dân cùng tham gia với chính quyền làm cho TP ngày càng sạch hơn. Ủng hộ việc phân loại rác tại nhà, anh N.Q (quận 12) chia sẻ: việc phân loại rác không khó. “Ngoài các loại rác hữu cơ, mình dùng những sản phẩm nào là đồ có thể tái chế thì tích góp lại, để riêng ra, chẳng hạn như là lon bia, các loại pin… đến ngày hội thu gom thì mình mang ra đổi quà. Mấy cây xanh tôi đổi được đều là nhờ thu gom pin cũ sau khi sử dụng. Làm như thế vừa tránh lãng phí, vừa góp phần làm thành phố xanh – sạch – đẹp hơn”, anh N.Q (quận 12) nói.
Để tạo ra sức mạnh tổng lực trong việc nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường, TP.HCM cần phối hợp đồng bồ các giải pháp như tuyên truyền, chính sách pháp luật, chế tài... Với những lời giải thiết thực và cụ thể chắc chắn TP.HCM sẽ nhanh chóng đạt được những mục tiêu về chiến lược tăng trưởng xanh, đem lại những giá trị hữu ích cho sự phát triển trong tương lai.