8 câu hỏi lớn trước phán quyết vụ kiện biển Đông - phần 2

(Xem lại 8 câu hỏi lớn trước phán quyết vụ kiện Biển Đông - phần )

Sau khi Hội đồng Trọng tài (HĐTT) đưa ra phán quyết, những bên liên quan sẽ có những khả năng hành động nào trong tay?

5 - Trung Quốc chống vụ kiện bằng cách nào?

Trung Quốc (TQ) tuy tuyên bố bác bỏ vụ kiện nhưng thực tế nước này tiến hành hàng loạt hoạt động để hòng ngăn cản, bác bỏ hiệu lực của phán quyết HĐTT. Nước này kêu gọi tập hợp các chuyên gia luật hàng đầu để tìm các giải pháp khả dĩ, nhưng gần như các chuyên gia TQ cũng thừa nhận khả năng thắng (nếu tham gia vụ kiện) là rất thấp. Trong khi TQ không tham gia vụ kiện nên gần như nước này không có không gian để có thể giải quyết vụ kiện bằng cách bảo vệ mình trước HĐTT.

Trên mặt trận ngoại giao, TQ tiến hành hàng loạt các hoạt động vận động hành lang, mua chuộc các nước có nền kinh tế yếu kém bằng chính sách “ngoại giao nhân dân tệ” – sử dụng tiền và các gói đầu tư, viện trợ. Nước này nhận được sự đồng tình hiếm hoi của vài quốc gia nhỏ, thậm chí không có biển trong khi hầu hết các nước còn lại ủng hộ luật quốc tế.

Mặt khác, TQ còn đe dọa rời khỏi UNCLOS nếu phán quyết HĐTT gây bất lợi cho nước này. Dù vậy, các phân tích lợi-hại cho thấy việc rời UNCLOS càng đưa TQ vào sự bế tắc và thiệt hại cả về uy tín lẫn tài chính, kinh tế. Nên có đánh giá “ra khỏi UNCLOS” chỉ là “một màn kịch chưa diễn đã hạ màn”.

Bộ trưởng Bộ ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị. Ảnh: AFP

Trên mặt trận thông tin, TQ sử dụng chiến lược tuyên truyền thông tin ảo. Nước này bỏ tiền để tiến hành các bài báo nhằm khiến dư luận hiểu rằng đa phần các nước đang ủng hộ TQ. Người phát ngôn Hồng Lỗi của Bộ Ngoại giao TQ gần đây cho rằng hiện nay có ít nhất 60 quốc gia ủng hộ quan điểm của TQ.

Tuy nhiên, theo tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á, con số thật sự chỉ có tám (có cả các quốc gia không có biển và nền kinh tế vẫn còn kém phát triển như Afghanistan và Niger). Số còn lại hoặc là “phản pháo” TQ hoặc vẫn chưa thể hiện rõ quan điểm của họ.

Trên mặt trận thực địa, TQ tiến hành rất nhiều hoạt động làm gia tăng căng thẳng từ sau khi HĐTT quyết định thụ lý vụ kiện. Các phát ngôn công kích HĐTT và phủ nhận vai trò của tòa, thậm chí cáo buộc HĐTT thiếu công bằng, thiên vị,.. dù TQ không thể đưa ra bằng chứng hay lập luận thuyết phục (ngoài các lập luận cũ đã bị HĐTT bác bỏ dựa trên UNCLOS). Ngoài ra, Bắc Kinh còn điều động các phương tiện quân sự ra các khu vực tranh chấp khiến an ninh khu vực trở nên bị đe dọa.

6- Phán quyết của HĐTT sẽ như thế nào?

Thứ nhất, cũng là quan trọng nhất chính là vấn đề quy chế vùng biển, hay việc xác định trạng thái/danh nghĩa của 10 thực thể mà Philippines đệ trình. Tòa sẽ trao quy chế vùng biển cho các đảo chỉ dựa trên trạng thái tự nhiên của chúng, ngay cả khi TQ đã thay đổi trạng thái tự nhiên của một số thực thể hoặc bản chất chúng. Chỉ có những đảo tự nhiên nằm trên mặt nước khi thủy triều lên mới tạo ra lãnh hải, và cũng chỉ các đảo thích hợp cho con người sinh sống hoặc duy trì nền kinh tế riêng mới mang lại vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa theo Điều 121 của UNCLOS.

Rất có thể, HĐTT sẽ xác định tối đa bốn trong 10 thực thể trong đệ trình của Philippines là đá, tức được trao quy chế vùng lãnh hải 12 hải lý. Trong khi đó ít nhất sáu thực thể là bãi nửa chìm nữa nổi, tức không được hưởng quy chế thềm lục địa, EEZ hay vùng lãnh hải nào cả.

Thứ hai chính là vấn đề môi trường. Theo quy định của UNCLOS, vệc xây đảo nhân tạo của TQ ở biển Đông là trái với nghĩa vụ về bảo vệ và giữ gìn môi trường biển. Rất có thể HĐTT sẽ tuyên bố TQ đáng ra nên tiến hành đánh giá tác động môi trường đối với các hoạt động của mình. Áp dụng án lệ, có thể HĐTT sẽ phán quyết TQ đáng ra nên phối hợp và tham vấn trước với các quốc gia lân cận bị ảnh hưởng.

Thứ ba, với vấn đề “quyền lịch sử” và “đường lưỡi bò”. Dù HĐTT vẫn chưa xác định có thẩm quyền hay không nhưng vì TQ không tham gia vụ kiện, không nêu quan điểm về “quyền lịch sử” hay “đường lưỡi bò” nên khó có khả năng HĐTT có một phán quyết về tính pháp lý của các khái niệm này.

Thứ tư, về vấn đề TQ can thiệp vào việc thực thi các quyền chủ quyền và quyền tự do của Philippines, rất có thể tòa yêu cầu TQ phải thận trọng hơn khi sử dụng chiến lược cưỡng chế trên biển trong khu vực đang tranh chấp.

Phán quyết của HĐTT sẽ xác định về "phân loại" các thực thể mà Trung Quốc chiếm đóng trên biển Đông. Ảnh: CSIS

7 - Tác động đến các bên liên quan ra sao?

Đối với Trung Quốc, các yêu sách của nước này sẽ bị ảnh hưởng trầm trọng bởi nhiều lý do. Thứ nhất, dù rất có thể HĐTT sẽ không có phán quyết về đường lưỡi bò, nhưng quá trình tranh tụng, mổ xẻ khái niệm này sẽ làm rõ sự thiếu cơ sở pháp lý, mập mờ của điều mà Trung Quốc gọi là “quyền lịch sử” ở biển Đông.

Bên cạnh đó, các thực thể mà Trung Quốc chiếm trái phép, thay đổi hiện trạng và gọi là đảo thì cùng lắm được HĐTT xác định chỉ là đá hoặc bãi nửa chìm nửa nổi, nghĩa là hưởng quy chế 12 hải lý chứ không phải EEZ rộng lớn như Trung Quốc rêu rao. Điều này cũng gián tiếp làm suy yếu trầm trọng các lập trường về đường lưỡi bò của Trung Quốc.

Thứ hai, cần nhớ rằng một đảo đá nhỏ tạo ra vùng lãnh hải rộng 452 hải lý vuông (khoảng 1550 km2), còn một đảo thích hợp cho con người sinh sống hoặc duy trì nền kinh tế riêng mang lại vùng lãnh hải, cùng với vùng EEZ rộng lớn. Tổng diện tích vùng biển thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia ven biển sẽ lên tới 125.664 hải lý vuông (hơn 431.015 km2). Một thực thể như vậy còn có thể mang lại thềm lục địa kéo dài hơn 200 hải lý.

Việc tòa giảm bớt diện tích vùng biển mà 10 thực thể này tạo ra (không vượt quá vùng lãnh hải 12 hải lý) khiến các thực thể Trung Quốc đang chiếm vô hình trung trở nên nhỏ bé hơn, bị biệt lập. Do vậy, Trung Quốc sẽ phải trả một cái giá rất lớn khi “mất đi” một vùng EEZ mà nước này dày công xây đảo nhân tạo hòng có được.

Trong khi đó, với Philippines thì đây là cơ hội để nước này giải quyết được vấn đề quy chế vùng biển của các thực thể (10 thực thể) vừa nêu. Quy chế của các thực thể này nếu được HĐTT đưa ra phán quyết làm giảm lại đáng kể, đồng nghĩa với việc giảm áp lực bao vây (về mặt lý thuyết pháp lý) đối với vùng chủ quyền, EEZ của Philippines. Trái lại còn có thể cô lập các tiền đồn mà Trung Quốc chiếm đóng bấy lâu nay.

Đại diện Philippines trong phiên điều trần của vụ kiện ngày 24-11-2015. Ảnh: AP

Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia, trên thực địa sẽ khó có sự điều chỉnh tích cực của Trung Quốc. Dù vậy, phán quyết của HĐTT có thể là một chìa khóa quan trọng để Philippines có thể mặc cả với Trung Quốc, kéo Mỹ về gần hơn và can thiệp sân hơn ở biển Đông, điển hình tại Scarborough/Hoàng Nham.

Với các nước ASEAN, phán quyết HĐTT vừa là cơ hội, vừa là thách thức. Cơ hội vì đây là một chiến thắng pháp lý quan trọng, giải tỏa bế tắc mà các nước ASEAN – Trung Quốc đàm phán suốt thời gian qua. Đó cũng là cơ hội để ASEAN đồng tâm lên tiếng, thông qua tuyên bố chung tại Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ASEAN diễn ra tại Lào khoảng 10 ngày sau phán quyết HĐTT.

Phán quyết dự báo khiến lập trường Trung Quốc suy yếu cũng là dịp các nước có điều kiện quyết tâm hơn trong phản ứng của mình trước Trung Quốc tại khu vực. Tuy nhiên, chắc chắn Trung Quốc sẽ phản ứng mạnh mẽ bằng cách “vừa mua chuộc, vừa đe dọa” khiến các nước ASEAN đứng trước nguy cơ chia rẽ, điều mà ASEAN cũng đã mắc phải từ năm 2012 kéo dài đến tháng 6-2016 vừa qua.

8 - Việt Nam ở đâu trong vụ kiện của Philippines?

Nếu nhìn vào hồ sơ và quá trình diễn ra vụ kiện sẽ thấy Việt Nam đã tích cực tham gia và ủng hộ HĐTT có thẩm quyền chỉ đối với các thực thể nêu chính thức trong vụ kiện, bảo lưu quy chế của các thực thể khác và sẵn sàng bảo vệ các quyền và lợi ích của mình khi cần. Việt Nam tham gia vụ kiện ở mức độ quan sát viên. Các phán quyết của HĐTT cho đến lúc này phù hợp với lập trường nhất quán của Việt Nam (giải quyết các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế).

Vì vụ kiện không quyết định về yêu sách chủ quyền, không ảnh hưởng trực tiếp đến đòi hỏi chủ quyền mà chỉ trong phạm vi giải thích và áp dụng UNCLOS (giải thích luật) nên Việt Nam, với vai trò nước thứ ba, sẽ không bị ảnh hưởng các yêu sách chủ quyền của Việt Nam trong suốt thời gian qua.

Vụ kiện lần này là một bài học, kinh nghiệm cũng như cơ hội cải thiện, nâng cao lực lượng pháp lý của Việt Nam, một lực lượng then chốt và quan trọng trong suốt quá trình đấu tranh bảo vệ chủ quyền của quốc gia trên biển. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới