LTS: Thông tin từ Tòa Trọng tài thường trực (PCA) về phán quyết vụ Philippines kiện Trung Quốc (TQ) liên quan đến tranh chấp biển Đông cho hay Hội đồng trọng tài (HĐTT) được thành lập theo Phụ lục VII Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) sẽ có phán quyết chính thức vào thứ Ba (12-7). Pháp Luật TP.HCMxin gửi đến độc giả toàn cảnh vụ kiện.
Ngày 22-1-2013, Philippines đã tiến hành khởi kiện TQ ra tòa trọng tài liên quan đến tranh chấp giữa Philippines với TQ đối với quyền tài phán trên biển Đông.
Vụ kiện dựa trên căn cứ pháp lý thể hiện trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982. Gần một tháng sau đó, TQ tuyên bố từ chối tham gia vụ kiện.
1 - Philippines kiện Trung Quốc nội dung gì?
Bản đệ trình của Philippines có 15 vấn đề (gồm 13 vấn đề được đệ trình vào năm 2013 và hai vấn đề được bổ sung năm 2015), tương ứng với ba nội dung chính.
Một là, TQ, Philippines có quyền và nghĩa vụ với vùng đáy biển, vùng nước lẫn các thực thể (là đảo, bãi đá, bãi nửa chìm nửa nổi, bãi chìm) dựa theo UNCLOS. Nếu chiếu theo công ước này, khái niệm “quyền lịch sử” mà một trong những biểu hiện chính là yêu sách đường chín đoạn của TQ đưa ra ở biển Đông là vô lý, phi pháp.
Hai là, TQ vi phạm các nghĩa vụ về môi trường khi tiến hành bồi lấp, lấn biển, xây dựng các cơ sở nhân tạo đối với các thực thể ở biển Đông. Ví dụ xây căn cứ lưỡng dụng (dân sự và quân sự), xây sân bay, hút cát bồi lấp một số thực thể tại Trường Sa.
Ba là, TQ can thiệp vào việc thực thi các quyền chủ quyền và quyền tự do của Philippines theo UNCLOS. Điều này trái với luật pháp quốc tế.
Cuối cùng, Philippines yêu cầu tòa xác định trạng thái của 10 thực thể bị TQ chiếm trên biển Đông, xem đó (nguyên thủy, trước khi bị TQ thay đổi hiện trạng) là đảo, đá, bãi nửa chìm nửa nổi hay bãi chìm.
Cựu tổng thống Philippines - ông Benigno Aquino. Ảnh: AFP
2 - Lập trường của Trung Quốc khi không tham gia vụ kiện?
Ngay từ khi Philippines gửi TQ và tòa trọng tài về quan điểm kiện TQ của Manila thì TQ đã bác bỏ vụ kiện, không tham gia vụ kiện. Lập luận của TQ cũng có ba điểm quan trọng.
Thứ nhất, TQ cho rằng việc Philippines tự ý đưa vấn đề tranh chấp biển Đông ra Tòa trọng tài quốc tế là vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC).
Thứ hai, TQ cho rằng đây là một vụ kiện về tranh chấp chủ quyền lãnh thổ của một số thực thể ở biển Đông. Hiểu nôm na, theo TQ, vụ kiện sẽ trực tiếp hoặc gián tiếp xác định lãnh thổ của của các thực thể trên biển Đông là của nước nào. Vấn đề này không thuộc quy định UNCLOS, nghĩa là HĐTT sẽ không có thẩm quyền để xử vụ kiện này.
Cuối cùng, TQ cho rằng vấn đề tranh chấp liên đới trực tiếp đến vấn đề phân định biển. Đây là vấn đề TQ bảo lưu từ năm 2006, tức có nghĩa là nếu HĐTT có tiến hành xử vụ kiện thì TQ cũng có quyền không tuân theo phán quyết của HĐTT.
3 - HĐTT nói gì sau khi nghe lập trường hai bên?
Đến tháng 10-2015, HĐTT được thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS để giải quyết vụ việc Philippines khởi kiện TQ tại biển Đông, đã ra phán quyết về thẩm quyền và khả năng tiếp tục xem xét nội dung vụ kiện. HĐTT cũng trình bày rất rõ các cơ sở pháp lý.
Thứ nhất, Philippines và TQ đều là thành viên UNCLOS và thế nên cả hai nước đều phải bị ràng buộc bởi những quy định của UNCLOS liên quan đến việc giải thích và áp dụng UNCLOS.
Nghĩa là, Philippines có quyền yêu cầu tòa giải thích luật để cả hai nước đều phải tuân theo một cách hiểu chung, thực thi chung đối với các khái niệm liên quan đến luật biển: ví dụ như xác định các thực thể trên biển Đông cái nào là đảo, đá, bãi nửa chìm nửa nổi hay bãi nửa chìm. Vấn đề này liên đới đến việc thực thể đó có được hưởng quy chế thềm lục địa, vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) hay là không.
Thứ hai, chính vì việc xác định trạng thái của các chủ thể (dựa trên việc giải thích luật UNCLOS) sẽ khác với việc phân định chủ quyền biển nên HĐTT hoàn toàn có thẩm quyền thụ lý nội dung này.
Nói nôm na, HĐTT sẽ giải thích 10 chủ thể trên biển Đông mà TQ chiếm ở trạng thái gì, có được hưởng thềm lục địa, vùng lãnh hải, EEZ hay không chứ HĐTT sẽ không phân định các thực thể đó thuộc chủ quyền của quốc gia nào.
Thứ ba, theo quy định UNCLOS (mà TQ là thành viên) thì việc TQ vắng mặt cũng không thể cản trở quá trình HĐTT thụ lý và xử lý vụ kiện với nội dung theo quy định UNCLOS.
Cuối cùng, tòa khẳng định DOC (giữa TQ và ASEAN) không quy định loại bỏ phương thức giải quyết tranh chấp trên biển Đông bằng phương pháp nhờ đến tòa thường trực theo quy định UNCLOS. Tức là, sau khoảng thời gian dài đàm phán không thành công với TQ, không đi đến thỏa thuận chung thì việc Philippines kiện ra tòa quốc tế là điều hợp pháp theo UNCLOS.
Một phiên điều trần vụ kiện vào ngày 24-11-2015, tại Hague (Hà Lan). Ảnh: AP
4 - HĐTT quyết định sẽ phân xử những nội dung nào?
Sau khi HĐTT bác bỏ quan điểm của TQ về thẩm quyền của HĐTT và quyết định thụ lý vụ kiện, tòa đã chấp nhận 7/15 đệ trình yêu cầu xét xử từ phía Philippines.
Thứ nhất, cũng được xem là quan trọng và có ý nghĩa nhất chính là dựa trên UNCLOS, xác định trạng thái hay danh nghĩa của 10 thực thể (bao gồm: bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham, đá Vành Khăn, bãi Cỏ Mây, đá Xu Bi, đá Ga Ven, đá Ken Nan, đá Tư Nghĩa, đá Gạc Ma, đá Châu Viên, và đá Chữ Thập). HĐTT sẽ xác định xem các thực thể này là đảo, đá, bãi nửa chìm nửa nổi hay bãi chìm.
Thứ hai, tòa sẽ xem xét nghĩa vụ của TQ đối với vấn đề môi trường biển, khi Bắc Kinh tiến hành bồi lấp, xây dựng các cơ sở lưỡng dụng trên các thực thể ở biển Đông.
Thứ ba, hai vấn đề tòa đang tiến hành xem xét liệu tòa có thẩm quyền xét xử hay không chính là: i) quyền lịch sử của TQ, trong đó nhấn mạnh yêu sách đường lưỡi bò; và ii) vấn đề TQ can thiệp vào việc thực thi các quyền chủ quyền và quyền tự do của Philippines theo UNCLOS cũng như các vấn đề hoạt động quân sự của TQ.
Nói như vậy không có nghĩa là HĐTT không có thẩm quyền xét xử hai vấn đề này hay HĐTT chắc chắn không đưa ra phán quyết về hai vấn đề này.
Đầu tiên, liên quan đến “quyền lịch sử” và “đường lưỡi bò”, hiện khái niệm về “quyền lịch sử” hay “yêu sách đường lưỡi bò” đến nay vẫn chưa được TQ làm rõ và có thể liên quan đến vấn đề bảo lưu của TQ. Theo tổng hợp, có ít nhất ba cách hiểu về đường lưỡi bò mà TQ tuyên bố, nhưng chính TQ cũng chưa công bố rõ ràng đó là gì.
Bên cạnh đó cần phải xem xét đến danh nghĩa hay trạng thái của các thực thể ở biển Đông trong đệ trình của Philippines mới có thể làm rõ được các nội dung liên quan quyền lịch sử, đường lưỡi bò.
Hiểu nôm na, HĐTT muốn biết có quyền xử đường lưỡi bò thì phải tiến hành tranh tụng để xác định cụ thể cái gọi là “quyền lịch sử” và “đường lưỡi bò”, từ đó xác định HĐTT có quyền xử hay không và xử như thế nào.
Bên cạnh đó, liên quan đến vấn đề TQ can thiệp vào việc thực thi các quyền chủ quyền và quyền tự do của Philippines, HĐTT cũng phải tiến hành tranh tụng để xác định vùng biển xảy ra va chạm giữa TQ và Philippines. Đồng thời phải xét đến yếu tố quân sự trong hoạt động của TQ.
(Còn tiếp)