Theo ông Gopal Rai, người đứng đầu cơ quan phụ trách việc làm, phát triển và lao động thuộc chính quyền Lãnh thổ Thủ đô Quốc gia Delhi, tin rằng bò thực sự là “bạn tốt nhất” của người cao tuổi.
Trên cơ sở ý tưởng “thực nghiệm” đó, chính quyền Delhi đang hiện đại hóa một trại gia súc ở khu vực Ghanhanhera, tây nam Delhi và bổ sung một “ngôi nhà tuổi già” để “bò và người già sẽ cùng tồn tại và chăm sóc lẫn nhau”, theo báo Hindustan Times.
Bò là vật linh thiêng ở Ấn Độ. Ảnh: NDTV
Dù được coi là con vật linh thiêng ở Ấn Độ, bò có thể bị bỏ rơi khi già đi và không còn sản xuất sữa, khiến chúng phải lang thang trên đường phố.
“Khi một con bò hết sữa, người ta bỏ nó và con bò này cuối cùng được đưa đến gaushala (chuồng bò). Tương tự, con người cũng bị bỏ rơi và đưa đến những ‘ngôi nhà tuổi già’, thậm chí bởi những gia đình giàu có. Vì vậy, chúng tôi quyết định cơ sở ở Ghummanhera sẽ là ngôi nhà chung cho bò và người già”, ông Rai nói.
Ông Akhileshwaranand Giri là người cơ quan chuyên trách về bò ở bang Madhya Pradesh. Ảnh: SCROLL.IN
Quan chức trên cho biết thêm là một khu đất rộng 18 mẫu sẽ được phân bổ cho việc xây dựng ngôi nhà chung nói trên.
Một số bang khác ở Ấn Độ gần đây cũng đã ban hành các chính sách mới dành cho bò, riêng bang Madhya Pradesh năm ngoái đã tuyên bố thành lập một cơ quan chuyên trách về bò trong thành phần chính quyền bang.
Ông Akhileshwaranand Giri, người được bổ nhiệm đứng đầu cơ quan chuyên trách về bò tại Madhya Pradesh, cho biết việc thành lập cơ quan này sẽ giúp bãi bỏ việc “gắn thẻ” bò như một “con vật”.