Hơn 32.000 người chết vì COVID-19, con số cho thấy sự thất bại thảm hại của hệ thống y tế Anh. Các chính sách, biện pháp phòng chống dịch dường như bất lực khi người ta phải chứng kiến số lượng ca bệnh tử vong tăng lên không ngừng, báo South China Morning Post đưa tin.
Người dân Anh tức giận
Báo cáo ngày 5-5 cho thấy Anh đang là nước có số người chết vì COVID-19 cao thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ (gần 68.700). Tại châu Âu, Anh đã vượt cả Ý về số ca tử vong. Nước Ý đến nay ghi nhận hơn 29.000 người chết vì dịch bệnh này.
Nếu chỉ tính riêng ca tử vong vì COVID-19 ở Anh thì London là nơi có số lượng cao nhất. Có đến 10.000 trường hợp tử vong tại bệnh viện vào giữa tháng 4, trong đó riêng ngày 8-4, có 1.000 người chết và số lượng này tăng theo cấp số nhân trong vòng hai tuần.
Một nhân viên phục vụ tang lễ trong trang phục bảo hộ tại nghĩa trang London. Ảnh: REUTERS
Điều này dường như là không thể tưởng tượng được đối với người Anh khi chỉ cách đây hai tháng, Thủ tướng Boris Johnson khẳng định mọi việc đã được chuẩn bị chu đáo để ứng phó.
Cố vấn khoa học cho chính phủ, ông Patrick Vallance, từng hy vọng Anh có thể giới hạn số người chết ở mức 20.000. Thế nhưng, theo Văn phòng Thống kê Quốc gia (ONS), số bệnh nhân tử vong đã tăng vọt trong hai tuần trở lại đây. Tình hình vượt xa dự tính và những lời chỉ trích của người dân cũng bắt đầu gay gắt hơn.
Tuần trước, ông David King, một cố vấn khoa học cấp cao, phát biểu trên đài BBC: “Một loạt hành động cần phải làm để chặn dịch đã không được thực hiện. Phản ứng chậm chạp, bị động của chính phủ đã khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn”.
Thủ tướng Johnson, người cũng bị COVID-19 tấn công, đang đối mặt với hàng loạt cáo buộc về sự chủ quan và thiếu quyết liệt trong các đối sách của mình.
Sự thay đổi muộn màng
Hồi đầu tháng 3, khi Tổ chức Y tế Thế giới WHO công bố đại dịch toàn cầu, chính phủ Anh chỉ đưa ra khuyến cáo người dân nên thường xuyên rửa tay sạch sẽ. Họ coi đó như một biện pháp phòng dịch tối ưu bên cạnh việc hạn chế tiếp xúc đám đông.
Các y, bác sĩ Anh nhắc nhở mọi người ở nhà. Ảnh: REUTERS
Ngày 3-3, Thủ tướng Anh vẫn bắt tay người dân sau khi đi thăm các bệnh nhân nhiễm COVID-19. Hai ngày sau, nước Anh có ca bệnh tử vong đầu tiên.
Thời điểm này, người Anh vẫn ra đường thoải mái, thậm chí không đeo khẩu trang. Các quan chức Anh cũng cho rằng chưa cần phải ngưng các hoạt động tụ tập đông người.
Vào giữa tháng 3, khi số ca nhiễm mới bắt đầu tăng dần, việc truy tìm, cách ly những người đã tiếp xúc gần với người bệnh vẫn bị lơ là.
Trong khi đó, việc khoanh vùng các đối tượng có nguy cơ đã sớm được Hàn Quốc, New Zealand… thực hiện chặt chẽ. Chính nhờ vậy mà tốc độ lây lan cũng như tỉ lệ tử vong tại các quốc gia này giảm nhanh.
Đại học Hoàng gia London đã đưa ra cảnh báo nếu không có các biện pháp cứng rắn hơn thì có thể dẫn tới nguy cơ hàng trăm ngàn người sẽ tử vong.
Sự thay đổi đến muộn màng khi mãi đến ngày 23-3, Thủ tướng Johnson mới tuyên bố áp lệnh phong tỏa toàn quốc trong ba tuần để dập dịch.
Trường học, quán rượu, nhà hàng, phòng tập thể dục và các địa điểm công cộng khác phải đóng cửa. Người dân chỉ được ra ngoài mua thực phẩm, thuốc men... Tuy nhiên, mọi người vẫn được ra ngoài tập thể dục một ngày một lần và đến công sở nếu không thể làm việc tại nhà.
Quang cảnh vắng lặng trên một đại lộ ở London. Ảnh: REUTERS
Bộ trưởng Y tế Matt Hancock cam kết sẽ tăng cường thực hiện xét nghiệm lên 100.000 mẫu/ngày và bổ sung 18.000 nhân sự cho nỗ lực phòng chống dịch vào giữa tháng 5 tới.
Giới chuyên gia vẫn cho rằng chính phủ mất quá nhiều thời gian để thực hiện các biện pháp mà lẽ ra phải làm từ sớm.
Ông Richard Horton, biên tập viên tạp chí y khoa The Lancet, cho rằng phản ứng của người Anh là một thất bại nghiêm trọng.
“Nếu chúng ta mở rộng quy mô tầm soát, giám sát chặt chẽ và tăng công suất sử dụng giường bệnh đặc biệt từ tháng 2 thì mọi việc đã khác rồi” - ông Horton phát biểu trên tờ Financial Times.
Lệnh phong tỏa đất nước đã được thực hiện được hơn một tháng và vẫn chưa được dỡ bỏ. Nền kinh tế Anh bắt đầu bị tê liệt song biện pháp này được các nhà khoa học ủng hộ. Họ cho rằng Anh cần duy trì việc khoanh vùng, cách ly người bệnh và đối tượng nguy cơ một cách triệt để mới có thể làm chủ được tình hình.