'Anh hùng chống ngoại xâm mà chống tham nhũng lại đứng thứ trăm mấy'
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và các cử tri TP.HCM.
Dân đau đầu về những hành vi của Trung Quốc
Cử tri Huỳnh Minh Ngọc (quận 1) tỏ thái độ lo lắng trước những hành động của Trung Quốc. “Dân đau đầu lắm. Trung Quốc xâm lấn ở đây không phải chỉ trên biển Đông, biên giới mà còn trong kinh tế, văn hóa, xã hội. Đơn cử như các nhà thầu Trung Quốc thầu công trình rồi bỏ ngỏ, làm quệt quệt, tốn kém thêm. Đồ ăn độc hại hàng ngày, nguồn chất độc cũng từ Trung Quốc mà ra…”, ông Ngọc nói và đề nghị cần có giải pháp mạnh mẽ hơn nữa.
Cử tri Hồ Quang Chính (quận 3) đặt câu hỏi: Văn kiện Đại hội Đảng đánh giá giữ vững chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ có xác đáng khi Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa, một số đảo thuộc Trường Sa và gần đây có các hành động bồi đắp, quân sự hóa các đảo chiếm đóng.
Chia sẻ với cử tri, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhắc lại thời điểm hai lần đánh chiếm Hoàng Sa của Trung Quốc trước giải phóng và năm 1988 chiếm đảo chìm ở Trường Sa, nhấn mạnh thái độ trước sau như một của Việt Nam là không bao giờ thừa nhận hành vi chiếm đóng đảo của Trung Quốc.
"Hành vi của Trung Quốc là dùng vũ lực chiếm, chứ không phải quyền thụ đắc bằng biện pháp hòa bình. Việt Nam không bao giờ thừa nhận những lần đánh chiếm bằng vũ lực này", ông Trương Tấn Sang nhấn mạnh.
Chủ tịch nước cũng cho biết Việt Nam luôn khẳng định chủ quyền với Hoàng Sa và Trường Sa và chúng ta đã nộp hồ sơ ranh giới thềm lục địa đến Liên Hiệp Quốc để xác định biên giới ngoài của mình bao nhiêu hải lý.
Còn đối với việc một số lần tàu đánh cá của ngư dân chúng ta bị uy hiếp và gây khó khăn cho chúng ta trong quá trình khai thác trong vùng 200 hải lý thì chúng ta đã đấu tranh lại. “Chủ trương bảo vệ chủ quyền quốc gia các khóa tới sẽ tiếp tục” - ông Trương Tấn Sang nói.
Ngoài biển Đông, nhiều vấn đề lớn của đất nước cũng được cử tri TP.HCM đặc biệt quan tâm, trong đó có nạn tham nhũng.
Cử tri Nguyễn Thanh Cường (quận 1) nhắc lại những cam kết phòng, chống tham nhũng đến nay kết quả chưa làm cử tri hài lòng.
Ông Nguyễn Minh Hoan (cử tri quận 1) yêu cầu phải thúc đẩy một lộ trình công khai tài sản của lãnh đạo quan chức trong vòng 5-10 năm tới để giúp chống tham nhũng triệt để cũng như áp dụng những kinh nghiệm về công khai tài sản trước ứng cử như các nước để đảm bảo minh bạch.
Đồng quan điểm, cử tri Hồ Quang Chính (quận 3) lại đặt câu hỏi tại sao tham nhũng chưa đẩy lùi được. Ông cho rằng các ngành các cấp từ Trung ương đến địa phương đều quán triệt đầy đủ luật, nghị định và tổ chức học tập tấm gương của Bác Hồ nhưng tại sao bộ máy yếu kém, tham nhũng vẫn phát triển.
“Người đứng đầu nói phải chịu trách nhiệm thì trong thực tế ai đứng đầu? Những đồng chí đó bị thi hành kỷ luật, có dám nhận khuyết điểm, từ chức không? Không có, chỉ có nói rút kinh nghiệm sâu sắc. Thậm chí báo chí nói cán bộ sắp về hưu còn tìm cách làm giàu cú chót”, ông Chính nói.
Trả lời cử tri, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thừa nhận tình hình tham nhũng còn hết sức nghiêm trọng, trước Đại hội Đảng 12 thì đây là một vấn đề lớn mà toàn Đảng, toàn dân quan tâm, đi đâu cũng nói, họp cấp cao, từ trong Đảng đến Quốc hội đều đề cập.
Chỉ ra các nỗ lực lớn về kiện toàn cơ quan chống tham nhũng, ban hành chính sách, pháp luật thời gian qua song Chủ tịch nước cho rằng kết quả đạt được so với yêu cầu chưa đạt. Tại hội nghị Trung ương 13, Trung ương sẽ tiếp thu ý kiến của đại hội các cấp tỉnh, thành về vấn đề này để tiếp tục chỉnh lý.
“Tôi lo nhất đi đâu dân cũng kêu tham nhũng, làm bao nhiêu việc nhưng đẩy lùi tham nhũng chưa được thừa nhận. Chúng tôi thấy trách nhiệm cũng chưa tròn trong chống tham nhũng. Một điều buồn nhất đó là coi bảng thống kê xếp Việt Nam đứng thứ bao nhiêu về tham nhũng. Buồn, xấu hổ lắm. Tại sao nước mình anh hùng chống ngoại xâm oanh liệt mà chống tham nhũng đứng thứ trăm mấy, cảm thấy không chấp nhận được” - ông Trương Tấn Sang nói.