Bà Suu Kyi đích thân đến khu vực khủng hoảng và bạo lực

Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi ngày 2-11 đã đến khu vực cộng đồng người thiểu số Hồi giáo Rohingya ở bang Rakhine, sau nhiều tháng khu vực này chìm trong khủng hoảng và bạo lực, Reuters dẫn thông tin từ chính phủ Myanmar.

Tháp tùng bà Suu Kyi trong chuyến đi là khoảng 20 quan chức chính phủ, quân đội và cảnh sát. Nhóm người này đi trên 2 chiếc trực thăng quân sự. Bà Suu Kyi đến TP Sittwe, thủ phủ bang Rakhine, sau đó hướng về phía Bắc đến các ngôi làng người Rohingya sinh sống.

Bạo lực và khủng hoảng xảy ra với người Rohingya từ cuối tháng 8, khi một nhóm vũ trang Rohingya chủ trương ly khai tấn công vào các trụ sở cảnh sát, khiến Myanmar triển khai binh sĩ đáp trả. Đã có hàng trăm người chết trong vụ bạo loạn này, theo Myanmar Times. Đã có khoảng 800.000 người Rohingya bỏ chạy khỏi các ngồi làng này hướng sang nước láng giềng Bangladesh.

Người Hồi giáo Rohingya băng qua biên giới Myanmar-Bangladesh ngày 1-11. Ảnh: AP

Người Hồi giáo Rohingya băng qua biên giới Myanmar-Bangladesh ngày 1-11. Ảnh: AP

Tháng trước bà Suu Kyi đã trình bày dự án giúp người Rohingya quay về định cư trở lại ở bang Rakhine, kêu gọi các mạnh thường quân đóng góp tài chính cho dự án này.

Ngày 17-10, chính phủ Myanmar đã thành lập Liên đoàn Doanh nghiệp vì sự hỗ trợ tái định cư và phát triển ở Rakhine (UEHRD) như một cơ chế giải quyết khủng hoảng này. Người đứng đầu UEHRD là bà Suu Kyi. Mục đích chuyến đi Rakhine của bà Suu Kyi cũng như 4 thành viên khác của UEHRD là khảo sát tình hình Rakhine cho các bước đi tiếp theo.

Bà Suu Kyi thời gian gần đây hứng nhiều chỉ trích từ nhiều nước vì chậm phản ứng trong vụ bạo lực. Thậm chí Mỹ còn có ý định khôi phục trừng phạt Myanmar. Có ý kiến còn đề nghị thu hồi giải Nobel Hòa bình bà được trao tặng năm 1991 ghi nhận các nỗ lực mang lại dân chủ cho Myanmar của bà.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm