Bảo vệ môi trường là ưu tiên hàng đầu để bảo tồn Di sản Vịnh Hạ Long

(PLO)- Bảo vệ môi trường, trong đó thu gom, xử lý rác thải, nước thải là ưu tiên hàng đầu được chính quyền tỉnh Quảng Ninh xác định thực hiện để bảo tồn và phát huy bền vững Di sản Thiên nhiên Thế giới Vịnh Hạ Long.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, Tạp chí du lịch Mỹ Fodor's Travel đã xếp Vịnh Hạ Long vào nhóm "No list" năm 2024 với khuyến nghị du khách nên xem xét lại nếu muốn ghé thăm để bảo tồn điểm đến. Di sản này được nhắc đến ở tiêu chí “tạo rác thải”.

Rác trên vịnh Hạ Long nhiều thế nào?

Theo tạp chí Mỹ, tình trạng quá tải du lịch và ô nhiễm biển được đánh giá gây áp lực lên hệ sinh thái vịnh trong nhiều thập kỷ. Số lượng khách đến vịnh năm 2022 là hơn 7 triệu và dự kiến đạt khoảng 8,5 triệu vào năm 2023.

“Một nghiên cứu năm 2020 ước tính có hơn 28.000 tấn rác thải nhựa được tạo ra hàng năm ở Vịnh Hạ Long, trong đó gần 5.300 tấn thải ra biển, tương đương 34 tấn rác thải được tạo ra hàng ngày từ các hoạt động du lịch” – theo Fodor's Travel.

rác trên vịnh hạ long
Rác, phao xốp trôi nổi trên vịnh hồi tháng 4. Ảnh: NGỌC SƠN

Tuy vậy, theo một báo cáo của Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, lượng khách đến với vịnh Hạ Long trong năm 2022 chỉ có hơn 2,1 triệu lượt khách, dự kiến trong năm 2023 đón 2,5 triệu lượt khách. Trong một báo cáo khác, lượng rác trên vịnh Hạ Long hiện nay trung bình hơn 200 tấn mỗi năm.

Thu Hà, một du khách đến từ Hà Nội vừa có chuyến tham quan Vịnh Hạ Long hồi cuối tháng 11 cho biết “hài lòng với chuyến đi” và cảm nhận Vịnh Hạ Long không quá “ô nhiễm”. Tuy nhiên, trước đó, qua các phương tiện truyền thông, Thu Hà cũng biết đến một hình ảnh vịnh Hạ Long tràn ngập phao xốp hồi tháng 3 vừa qua và cho rằng hiện nay, chính quyền đã xử lý khá tốt vấn đề này để giúp vịnh sạch hơn.

vịnh hạ long
Ban Quản lý Vịnh Hạ Long triển khai thu gom rác hàng ngày.

Ông Phạm Hà, CEO LuxGroup, nói rằng vấn đề ô nhiễm môi trường trên Vịnh Hạ Long đã là câu chuyện được đưa ra nói nhiều năm nay. Rác và nước thải đang “uy hiếp” môi trường Vịnh Hạ Long. Thừa nhận môi trường trên vịnh hiện nay đã được bảo đảm hơn, không quá nhiều rác như thời gian trước, tuy nhiên theo ông Hà, những nội dung phản ánh của tạp chí Mỹ cũng là một cách “đánh thức” chính quyền Quảng Ninh, quyết tâm, đưa ra nhiều giải pháp tốt hơn nữa trong việc bảo vệ môi trường vịnh biển di sản này.

“Lúc thuỷ triều xuống, hầu như không thấy rác. Tuy nhiên, khi nước lên, sẽ có rác nổi lềnh bềnh, gây hình ảnh xấu. Tôi nghĩ chúng ta nên đổi mới công nghệ thu gom rác, thay vì cách làm thủ công hiện tại” – ông Phạm Hà nói.

Ứng dụng khoa học công nghệ bảo vệ môi trường

Trưởng Ban Quản lý Vịnh Hạ Long Vũ Kiên Cường thừa nhận về sự cố “tràn ngập rác trên vịnh” hồi tháng 3 vừa qua gây ra hình ảnh phản cảm cho môi trường di sản cũng như khiến nhiều khách du lịch bức xúc.

“Trong tháng 3 và tháng 4, việc quản lý thu hồi rác thải không tốt của một số địa phương từ chương trình thay thế phao xốp bằng vật liệu bền vững tại các khu vực biển lân cận vịnh Hạ Long khiến một số lượng lớn phao xốp đã phát tán ra môi trường biển trôi về khu vực Di sản Vịnh Hạ Long” – ông Cường nói.

vịnh hạ long
Một góc vịnh Hạ Long.

Trước tình trạng đó, cơ quan quản lý di sản, chính quyền địa phương, doanh nghiệp du lịch và người dân TP Hạ Long đã huy động hàng nghìn lượt phương tiện, nhân lực tham gia vớt xử lý phao xốp. Đến nay, sự cố phao xốp đã cơ bản được khắc phục, môi trường cảnh quan Di sản Vịnh Hạ Long đã được sạch đẹp trở lại.

Tại kỳ họp 45 vừa qua, Uỷ ban Di sản thế giới UNESCO cũng đã ghi nhận và đánh giá cao các biện pháp quản lý chất thải đa dạng của vịnh Hạ Long, bao gồm điều tiết, xử lý nước thải trên tàu du lịch, đóng cửa mỏ than lộ thiên lớn nhất tại khu vực Hạ Long, thúc đẩy quá trình chuyển đổi kinh tế “xanh” và bảo đảm chất lượng nước nằm trong giới hạn tiêu chuẩn quốc gia.

Theo Trưởng Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, trong sự nghiệp quản lý, bảo tồn và phát huy bền vững Di sản Thiên nhiên Thế giới Vịnh Hạ Long, chính quyền địa phương và cơ quan quản lý di sản luôn xác định bảo vệ môi trường là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và được đặt lên hàng đầu. Cơ quan quản lý di sản và chính quyền địa phương luôn chú trọng nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của các doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, mỗi người dân và khách du lịch trong bảo vệ môi trường.

vịnh hạ long
Vịnh Hạ Long ở thời điểm này được nhiều du khách đánh giá đã "sạch" hơn thời gian trước. Ảnh: NGỌC SƠN

Ban Quản lý Vịnh đã chủ động tăng cường thu gom, xử lý rác thải, nước thải theo hướng kiểm soát tốt nguồn thải. Hoạt động thu gom rác thải trên vịnh được thiết lập hai vùng chính với vùng thứ nhất tổ chức thu gom dọc theo bờ vịnh để ngăn chặn ngay từ nguồn các loại rác phát sinh từ các khu đô thị và khu dân cư tập trung và vùng thứ hai được tổ chức tại các khu vực trung tâm vịnh. Trong đó tập trung vào các khu vực có hoạt động du lịch, dịch vụ và kinh tế-xã hội khác. Mỗi vùng thu gom rác được bố trí nhiều phương tiện với hàng chục nhân lực liên tục triển khai thu gom rác trên mặt nước đảm bảo môi trường cảnh quan của vịnh xanh-sạch-đẹp.

Cũng theo ông Cường, Vịnh Hạ Long còn đi đầu trong ứng dụng khoa học công nghệ bảo vệ môi trường, đặc biệt là trong công tác xử lý nước thải. Hiện nay, hệ thống xử lý nước thải tại các điểm tham quan đang dần được nâng cấp bằng hệ thống xử lý theo công nghệ Josako của Nhật Bản. Chất lượng nước ở vịnh được theo dõi, quan trắc định kỳ hàng quý và được xác định nằm trong giới hạn cho phép theo quy chuẩn Việt Nam. Nước thải tại các tàu du lịch, các điểm tham quan trên vịnh, các khu dân cư ven bờ Vịnh Hạ Long từng bước được thu gom, xử lý. Ban cũng đã thực hiện phương án thay thế tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long theo hướng giảm số lượng từ 533 xuống còn 503 tàu nhằm tăng chất lượng, an toàn, bảo vệ môi trường và hiệu suất khai thác, hạn chế ảnh hưởng môi trường vịnh.

Trưởng Ban Quản lý Vịnh Hạ Long cho biết, trong thời gian tới, Ban Quản lý Vịnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp đang được thực hiện nhằm bảo vệ môi trường vịnh, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền đến du khách, đẩy mạnh chương trình “Vịnh Hạ Long không rác thải nhựa”.

“Ban tiếp tục đề nghị các địa phương và báo cáo tỉnh chỉ đạo triển khai dự án thoát nước và xử lý nước thải TP Hạ Long, bảo đảm 100% nước thải sinh hoạt TP được xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi xả ra môi trường; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các trạm xử lý nước thải tại các địa phương khác ở ven bờ Vịnh Hạ Long…”, ông Cường nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm