Đấy, thằng Tí nhà chú Sáu tán cái Nụ con cô Bảy như thế đấy. Tôi nghe không thiếu một câu - anh Ba hào hứng bước vào kể với vợ.
- Bộ nó khùng hả? Còn đang tìm hiểu, chưa cưới mà đã tính chuyện tan vỡ. Chắc bị cái Nụ đá từ vòng gửi xe!
- Ngược lại mới hay. Cái Nụ e lệ gật đầu, rồi còn nỉ non ngâm mấy câu thơ, cái gì mà “Mấy đời bánh đúc có xương…”.
- Hả? Hai đứa nó bị “chạm” thật quá… Nhưng ông ngồi đâu mà hóng hớt được chúng nó tâm sự?
- Ở hội trường thôn chứ đâu! Là chúng nó tập kịch về bạo hành gia đình, lấy ý tưởng việc ở Hà Nội có anh bố đẻ và cô dì ghẻ đánh thằng bé 10 tuổi hơn tập võ.
- Èo, hóa ra đi xem diễn văn nghệ. Rồi vở kịch ấy kết thúc với việc đứa bé thoát khỏi cái “địa ngục”, người đánh thì trả giá chứ gì.
- Còn xúc động hơn chứ. Là khi kết thúc, diễn viên đóng vai đại diện khu phố, nhà trường, chính quyền, đoàn thể đến trước mặt đứa bé cúi đầu xin lỗi vì đã không sát sao, thiếu quan tâm đến trẻ.
- Ừ, vậy mới ý nghĩa. Nếu ở ngoài đời mà các vị đại diện cơ quan, tổ chức liên quan biết nhận một phần trách nhiệm trước nỗi khổ của trẻ như vậy thì chắc chắn bảo vệ được những đứa trẻ có nguy cơ bị bạo hành.