Dự án Bến xe Miền Đông (BXMĐ) mới sẽ đi vào hoạt động trước ngày 15-8. Hiện các hạng mục còn lại như cơ sở vật chất bên trong, giao thông kết nối bên ngoài đang được các cơ quan chức năng liên quan khẩn trương thực hiện nhằm đảm bảo tiến độ đưa bến vào hoạt động giai đoạn 1.
Đường sá vẫn ngổn ngang
Ông Lê Văn Pha, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Cơ khí GTVT Sài Gòn (Samco), đơn vị thi công dự án BXMĐ mới, cho hay: “Các hạng mục quầy bán vé, quầy thông tin, một số bàn ghế phục vụ hành khách đã được lắp đặt đầy đủ. Chúng tôi sẽ tiếp tục trang trí nội thất và một số quầy phục vụ khác”.
Theo ông Pha, ngoài chức năng chính là cung cấp dịch vụ vận tải, BXMĐ mới còn có chức năng là trung tâm thương mại, khu vui chơi cho trẻ em, khu giải trí, rạp chiếu phim và nhà hàng. “Tuy nhiên, vấn đề giao thông kết nối BXMĐ từ các con đường xung quanh vẫn còn ngổn ngang” - ông Pha thông tin.
Theo ghi nhận của PV, nhiều tuyến đường vào BXMĐ mới đang trong tình trạng hư hỏng nặng, phương tiện lưu thông khó khăn. Tuyến đường chính Hoàng Hữu Nam kết nối BXMĐ mới với xa lộ Hà Nội có nhiều đoạn hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Một số vị trí hai bên đường bị nứt và trồi sụt trong khi lượng phương tiện đi lại đông đúc trên cả hai chiều, nguy cơ cao mất an toàn giao thông.
Tuyến đường số 13 (kết nối từ bến ra bên ngoài) chỉ dài khoảng 200 m nhưng mặt đường nhựa bong tróc, lồi lõm, xuất hiện nhiều ổ voi, ổ gà. Gần đó vẫn còn một bãi tập kết contanier với hàng trăm chiếc xe container ra vào thường xuyên, gây khó khăn cho người dân lưu thông trên đường này.
Ngoài ra, nhiều nhánh đường nhỏ vào BXMĐ mới chưa được thi công dù đã có đường lắp bảng chỉ dẫn “Bến xe khách”. Đặc biệt, tuyến đường đi vào cổng phụ của BXMĐ vẫn là con đường đất, mọc cỏ, chưa thực hiện quá trình san phẳng mặt bằng.
Lực lượng chức năng đang gấp rút thi công để kịp đưa Bến xe Miền Đông mới vào hoạt động giai đoạn 1. Ảnh: N.NHUNG
Giao thông kết nối khu vực ngoài bến vẫn còn ngổn ngang. Ảnh: N.NHUNG
Đường vào cổng phụ vẫn còn cỏ mọc, chưa san phẳng mặt bằng. Ảnh: N.NHUNG
Tạm thời duy tu, sửa chữa
Ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ, Sở GTVT TP.HCM, cho biết: “Công ty CP Hạ tầng kỹ thuật TP (CII) đầu tư tuyến đường song hành; Khu 2 đầu tư cầu vượt, hầm chui; quận 9 chịu trách nhiệm một số tuyến đường như A8, đường 13 và đường Hoàng Hữu Nam. Trong đó, phía quận 9 chưa thể triển khai được do vướng mắc giải phóng mặt bằng”.
Cũng theo ông Hải, trước mắt s ở đã có văn bản đề nghị quận 9 chỉ đạo bỏ chi phí để duy tu, sửa chữa, đảm bảo mặt bằng để phục vụ cho việc ra vào của bến xe. “Phía quận 9 cho biết cuối năm nay họ sẽ hoàn thiện việc giải phóng mặt bằng và triển khai thi công” - ông Hải nói.
Nói thêm về giao thông kết nối, ông Lê Ngọc Hùng, Giám đốc Khu 2, cho biết hiện nay đơn vị đang thiết kế một phần công trình và chưa được hoàn thiện. Dự kiến đến tháng 9 sẽ bắt đầu khởi công xây dựng.
Theo ông Hải, giai đoạn 1 có 29 tuyến vận tải hành khách cố định với giao thông cự ly từ 1.100 km trở lên (từ Quảng Trị trở ra phía Bắc). Giai đoạn 2, sau một năm sẽ tiếp tục triển khai 85 tuyến vận tải hành khách cố định từ Thừa Thiên-Huế trở vào phía Nam.
Đối với phương án tổ chức giao thông giai đoạn 1, bến sẽ phục vụ trung bình khoảng 40 chuyến/ngày. Với lưu lượng phương tiện giao thông lưu thông hiện nay thì tuyến quốc lộ (QL) 1 và hệ thống đường Hoàng Hữu Nam hiện hữu vẫn đảm bảo khả năng thông hành phục vụ cho các phương tiện sử dụng cổng chính ở QL 1 và cổng phụ ở đường số 13 của bến để lưu thông ra vào, đón trả khách.
Ngoài ra, sở cũng bố trí ba tuyến xe buýt trợ giá và ba tuyến không trợ giá để kết nối vào BXMĐ mới giai đoạn 1, sau đó sẽ mở tiếp hai tuyến vào quý IV năm nay.
Tiềm năng của Bến xe Miền Đông mới BXMĐ mới là khu vực có tiềm năng rất lớn, là đầu mối giao thông kết nối TP.HCM với các tỉnh/thành khác. Tuy nhiên, BXMĐ cần gắn kết với metro để người đến bến xe và ga metro có sự kết nối. Hành khách đến từ miền Đông hoặc TP.HCM đi tới miền Đông không cần phải mất thời gian thuê thêm một chặng xe. Tốt nhất là có đường đi bộ hoặc thảm trượt để kết nối. Cạnh đó, khu bến xe cần có đủ diện tích đậu xe cá nhân phục vụ cho hành khách gửi xe. Đồng thời, BXMĐ là đầu mối giao thông quan trọng nên sẽ có những chuyến xe sáng sớm đi các tỉnh nên cũng cần làm các khu vực nhà trọ, khách sạn, dịch vụ thương mại, nghỉ ngơi… sẽ giảm được lượng xe trong khung giờ cao điểm. bxmđ cần có quy hoạch giao thông thuận tiện, có khu vực xe ra, xe vào, phân chia khu vực taxi, xe cá nhân để tránh trường hợp tắc nghẽn giao thông. Đặc biệt là khu vực ngay cửa ngõ đi vào bến xe phải đảm bảo không ảnh hưởng tới khu vực bên ngoài xa lộ Hà Nội. Nếu có bị tắc nghẽn thì cũng chỉ bị khu vực nội bộ mà không ảnh hưởng đến giao thông các tuyến đường bên ngoài bến. kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch đô thị. Lộ trình lưu thông tại Bến xe Miền Đông mới Theo Sở GTVT, trước mắt bến sẽ sử dụng khu vực nhà ga chính để tổ chức cho các loại hình xe khách và xe buýt trung chuyển hành khách. Từ các tỉnh phía Bắc ra vào BXMĐ mới, các xe lưu thông theo lộ trình: Từ BXMĐ mới đi ra các tỉnh phía Bắc (cổng F3), rẽ phải QL1. Từ các tỉnh phía Bắc đến BXMĐ mới: QL1 - đường song hành bờ Bắc - cầu vượt số 1 (nút giao thông ĐH Quốc gia) - quay đầu về đường song hành bờ Nam - BXMĐ mới (cổng F3). Từ trung tâm TP ra vào BXMĐ mới (xe buýt trung chuyển) lưu thông theo lộ trình: BXMĐ mới (cổng phụ đường số 13) - đường Hoàng Hữu Nam - đường số 400 - đường song hành bờ Nam - cầu vượt số 2 (nút giao thông ĐH Quốc gia) - quay đầu về đường song hành bờ Bắc - trung tâm TP. Từ trung tâm TP đi vào BXMĐ mới: QL1 - đường song hành bờ Nam - BXMĐ mới (cổng F3). |