Địa điểm và chiếc xe của một nạn nhân bị bọn cướp tấn công. Ảnh: L.ÁNH
Người đi đường vì tưởng “nạn nhân” là người thứ ba thật nên không can ngăn hoặc chẳng muốn can thiệp. Trước đây đa phần nạn nhân là phụ nữ nhưng thời gian cận Tết, nhiều vụ đàn ông cũng trở thành con mồi.
Nếu không may gặp phải trường hợp dàn cảnh đánh ghen để cướp tài sản như vậy, phải làm sao?
Rộ nạn dàn cảnh đánh ghen để cướp
Như chúng tôi đã đưa tin, chưa đầy một tuần, trên địa bàn TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) liên tiếp xảy ra ba vụ cướp táo tợn với chung thủ đoạn: vu khống nạn nhân “giật chồng, giật vợ” lao vào đánh tới tấp, đánh đến khi nạn nhân tối tăm mặt mũi thì leo lên xe nạn nhân bỏ trốn. Nạn nhân thường là những người đi về khuya.
Cụ thể vào đêm khuya ngày 13-1, anh Lê Văn T. (24 tuổi, ngụ tại Đồng Tháp) đi xe máy Winner 66N1-304.45 trên đường Huỳnh Văn Lũy (TP Thủ Dầu Một). Tới ngã tư vắng vẻ, nơi giao nhau giữa đường Huỳnh Văn Lũy và đường Lê Lợi, anh T. bất ngờ bị hai thanh niên đi xe Sirius màu trắng ép rồi đánh tới tấp. Khi anh T. không còn sức phản kháng, nhóm này mới dừng tay, lấy xe của anh T. phóng đi.
Một nạn nhân bị chém, cướp mất một chiếc điện thoại. Một nạn nhân bị hai tên cướp dùng hung khí đánh chảy máu đầu. Ảnh: L.ÁNH
Nạn nhân cho biết dù trước đó đã thấy những người này đi cùng đường một đoạn khá xa nhưng anh không nghi ngờ vì nghĩ cũng giống như người đi đường thông thường.
“Khi ép xe, chúng nói tôi cướp người yêu chúng rồi đánh, đập, đạp tới tấp. Tôi cố giải thích rằng mình đã có vợ và con, không hề có quan hệ với ai khác nên chắc có sự nhầm lẫn nhưng họ vẫn hung hãn. Lúc bị cướp mất xe tôi mới biết mình bị dàn cảnh” - anh T. kể chuyện.
Một trường hợp khác là anh Văn Trung H. (25 tuổi, ngụ tại Bình Dương) khi anh này đang chở bạn gái cùng hai người bạn chạy trên đại lộ Bình Dương hướng từ thị xã Bến Cát về TP Thủ Dầu Một. Anh này bị đánh đến chảy cả máu đầu nhưng may mắn vì xe anh có sử dụng remote chống trộm nên chúng không nổ máy được, phải bỏ đi. “Đến lúc bọn này bỏ đi, tôi cũng chưa hết sợ, chúng quá liều lĩnh và manh động” - anh H. nhớ lại.
Không chỉ ở Bình Dương, trước đó, vào đầu tháng 10-2017, ở Bình Thạnh cũng từng xảy ra một vụ việc tương tự mà mỗi lần kể lại người dân ở hẻm 201 đường Nguyễn Xí, phường 26, quận Bình Thạnh (TP.HCM) đinh ninh rằng đây là vụ dàn cảnh cướp xe không thành.
Người dân ở con hẻm nhỏ này cho biết, trưa hôm đó có một nhóm khoảng sáu người đã đạp xe cô gái rồi xông vào tay tát, miệng la “Nó giựt chồng tui…”, còn cô gái chỉ biết khóc ròng. Nhóm người đánh và giật chìa khóa xe của cô gái định chạy đi thì mọi người ngăn cản, lấy lại chìa khóa xe. “Lúc đó tôi đi giao cơm thì thấy nhóm người đó vây đánh cô bé. Tôi chạy ra can, lấy lại chìa khóa xe. Cô bé nói là chẳng bồ bịch gì với ai, không hiểu sao bị đánh… Tôi thấy kỳ, con bé mặc đồng phục học sinh của một trường trung học bên Bình Thạnh và nói không biết đám người đó là ai” - anh THP, một trong những người can ngăn, kể.
Theo xác minh của chúng tôi, sau khi xảy ra sự việc, cô gái không đến công an phường nơi xảy ra sự việc trình báo.
Xuống xe, phải rút chìa khóa trong mọi tình huống
Chiêu trò giả vờ đánh ghen để cướp tài sản… không hiếm, và thường nhắm vào phụ nữ. Nhiều nạn nhân sau khi bị đánh ghen tới tấp, lúc định thần trở lại thì tài sản đã mất.
Trao đổi với chúng tôi về câu chuyện này, một cán bộ công tác lâu năm tại công an quận 3 cho biết, trước khi ra tay, nhóm đối tượng này đã chuẩn bị kĩ lưỡng: cách hô hoán, đánh phủ đầu để nạn nhân không có thời gian, cơ hội thanh minh. Người đi đường cũng ngại can thiệp, thậm chí có tâm lý ủng hộ đối tượng vì nghĩ đó là sự thật.
Hiện trường vụ nghi án dàn cảnh đánh ghen cướp tài sản ở Bình Thạnh. Ảnh: NGUYỄN TRÀ.
Lời khuyên của ông là “xuống xe, phải rút ngay chìa khóa trong mọi tình huống”.
“Không chỉ dàn cảnh đánh ghen cướp tài sản mà có rất nhiều trường hợp mất xe chỉ vì thói quen không rút chìa khóa. Quận 3 thì chưa xảy ra nhưng tôi biết có những câu chuyện như thế này." vị cán bộ nói.
Vị này cho biết thêm trường hợp thứ nhất, người dân đi ngang đám cưới thấy vui, dừng lại xem, tắt máy nhưng chìa khóa vẫn cắm nguyên trên xe. Kẻ gian từ sau tới đẩy chủ xe té nhào rồi cướp xe chạy, rất nguy hiểm.
Trường hợp thứ hai, rất nhiều người mắc phải, đó là về nhà dựng xe đó để vào mở cổng, mở cửa. Nghĩ chỉ vài phút, mấy giây nhưng ra thì xe bốc hơi, không thấy đâu rồi… Bởi vậy, trong mọi trường hợp, xuống xe phải rút ngay chìa khóa. Thậm chí nếu nghi bị tấn công, dàn cảnh cướp tài sản thì phải dựt chìa khóa ngay, tránh trường hợp bị giật lại.
"Người dân nên đầu tư lắp thiết bị chống trộm, điều khiển bằng điện thoại. Về phía những người chứng kiến, có thể vì vấn đề tình cảm nên bà con ngại can thiệp nhưng nếu gặp trường hợp như vậy hãy gọi điện báo ngay công an. Đừng vô cảm. Nếu không may chính bạn hay người nhà bạn là nạn nhân của chiêu trò này thì sao!”, vị cán bộ giải thích thêm.
Một lãnh đạo Đội Cảnh sát Hình sự công an quận 1 cho biết công an quận 1 đã từng tiếp nhận những vụ việc tương tự. Theo vị này, trước khi ra tay, chúng đã theo dõi nạn nhân một đoạn đường khá dài. Ngay khi tìm được cơ hội thuận lợi, ép xe nạn nhân thành công, chúng sẽ đánh phủ đầu, tri hô là nạn nhân là kẻ giật chồng, giật vợ đại loại “Đây là vợ tôi, bồ bịch bị tôi bắt được…”, bảo đưa điện thoại, “lên xe tao chở về” rồi lấy xe, điện thoại của nạn nhân chạy mất.
Công an khuyên: "Gặp những trường hợp dàn cảnh đánh ghen, việc đầu tiên cần làm là nạn nhân rút ngay chìa khóa xe cất đi đồng thời la to “Cướp cướp” để được giúp đỡ. Nếu chỉ biết khóc, những người xung quanh sẽ hiểu nhầm là đánh ghen thật."
“Nếu không may rơi vào tình huống trên, cố gắng quan sát xung quanh có camera không và tìm cách hướng về đó. Một vài hình ảnh nhận diện là tư liệu quý để công an sớm phát hiện, tìm lại tài sản và đến cơ quan công an gần nhất trình báo sự việc” - ông nói.