Bí thư Nguyễn Thiện Nhân: Nhà báo hãy tự hào, tự tin và tự vấn
Chiều 19-6, Thành ủy TP.HCM tổ chức họp mặt 94 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925 – 21-6-2019).
Tham dự có Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Tô Thị Bích Châu, cùng lãnh đạo các cơ quan báo chí địa phương và trung ương đóng ở TP.HCM.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi họp mặt. Ảnh: TÁ LÂM
Tại buổi họp mặt, lãnh đạo các cơ quan báo chí nêu ý kiến mong muốn TP tạo điều kiện, chỉ đạo cơ quan, cung cấp thông tin kịp thời; cần chủ động thông tin sớm cho các cơ quan báo chí, đồng thời nêu rõ quan điểm chính thức, hướng xử lý của các địa phương để kịp thời định hướng dư luận.
Ông Nguyễn Tấn Phong, Tổng Biên tập Báo SGGP, mong muốn có cơ chế làm sao để việc tuyên truyền được hiệu quả hơn, cơ quan chức năng năng, sở ban ngành và địa phương tạo điều kiện tốt nhất cho phóng viên tác nghiệp.
Bà Lê Huyền Ái Mỹ, Tổng Biên tập Báo Phụ nữ TP.HCM, cho rằng cần có cơ chế tạo điều kiện cho báo chí tác nghiệp, thiết lập cho báo chí kênh làm việc hữu hiệu.
Chia sẻ với báo chí, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, đánh giá rất cao vai trò của cơ quan báo chí. Ông cho rằng, cần phải phối hợp với báo chí để thông tin các vấn đề kinh tế - xã hội, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại buổi họp mặt. Ảnh: TÁ LÂM
Ông Phong đề nghị Trung tâm báo chí TP.HCM phải có quy chế phối hợp cung cấp thông tin cho báo chí. Ông cũng đề nghị báo chí trong thời gian tới tuyên truyền về đại hội đảng các cấp, nhiều cuộc hội thảo về các vấn đề lớn của TP và các vấn đề kinh tế - xã hội.
Phát biểu tại buổi họp mặt, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, chưa bao giờ những người làm báo có điều kiện đóng góp cho sự phát triển của đất nước và TP.HCM như hiện nay. Đây là cơ hội để cống hiến.
“Nhưng cũng chưa bao giờ thách thức lớn như thế này với người làm báo chân chính, vì cả xã hội có thể làm báo, mỗi người đều có thể làm báo, trong đó có cả những người không vì sự phát triển” – ông Nhân nói và đề nghị cần phải giữ vững sự phát triển của báo chí.
Ông Nhân cũng cho rằng, vinh dự nghề nghiệp người làm báo bây giờ cũng rất lớn, cùng cả dân tộc đồng hành, bước vào giai đoạn quyết định vận mệnh của đất nước trong thế kỷ này. “Các đồng chí cần tiếp tục tự hào về nghề nghiệp, tiếp tục tự tin và tự vấn ở vị trí mình đã làm hết sức chưa, góp cho TP phát triển” – ông Nhân đề nghị.
Liên quan đến các giải pháp phát triển TP trong năm 2019, ông Nhân cho biết TP phải quyết liệt tăng tốc, nếu không sẽ không hoàn thành các chỉ tiêu đề ta.
Trước đó, báo cáo tóm tắt tình hình hoạt động các cơ quan báo chí 6 tháng đầu năm, ông Từ Lương, Phó Giám đốc Sở TT-TT, Giám đốc Trung tâm Báo chí TP, cho biết hiện nay có 13 cơ quan báo chí của TP và 161 cơ quan báo chí của trung ương và địa phương khác đóng trên địa bàn. Tổng nhân sự gần 3.500 người.
Theo ông Lương, ưu điểm của cơ quan báo chí trên địa bàn TP luôn bám sát nhiệm vụ chính trị của TP, kịp thời chuyển tải đầy đủ thông tin của TP trên tất cả các lĩnh vực. “Hầu hết các cơ quan báo chí đều giữ vững tôn chỉ, mục đích” – ông Lương nhìn nhận.
Đề cập đến công tác giao ban báo chí tuần, ông Lương cho hay nội dung giao ban ngày càng chất lượng, có vấn đề và khách mời là lãnh đạo các sở, ban ngành TP; phát huy được hiệu quả của việc chủ động cung cấp thông tin cho báo chí.
Tuy nhiên, trước một số vấn đề “nóng” được dư luận quan tâm, những chính sách lớn trước khi được ban hành có tác động đến người dân thì người phân công đến cung cấp không đủ thẩm quyền, trách nhiệm nên đã tác động không nhỏ đến việc định hướng tuyên truyền. Do đó, ông Lương cho hay sắp tới Sở TT&TT sẽ phối hợp với Hội Nhà báo TP để đổi mới hình thức giao ban báo chí hàng tuần sao cho thiết thực, hiệu quả hơn nữa.
Thành ủy TP.HCM ký kết biên bản ghi nhớ phối hợp công tác truyền thông với ông Mai Ngọc Phước - Tổng Biên tập báo Pháp Luật TP.HCM. Ảnh: TÁ LÂM
Dịp này, Thành ủy TP.HCM đã ký kết biên bản ghi nhớ phối hợp công tác truyền thông với 15 cơ quan báo chí TP và trung ương đóng trên địa bàn, trong đó có báo Pháp Luật TP.HCM.