Về vấn đề này, Bộ GTVT cho rằng trong điều kiện nguồn vốn ngân sách nhà nước khó khăn, việc đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT là chủ trương đúng đắn nhằm huy động nguồn lực xã hội cho phát triển hạ tầng giao thông. Nhiều dự án BOT giao thông sau khi hoàn thành, đưa vào khai thác phát huy rõ hiệu quả đầu tư.
Theo Bộ GTVT, thực hiện Nghị quyết số 437/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ tiến hành rà soát tổng thể các trạm thu phí BOT. Theo đó, trên toàn quốc hiện có 88 trạm thu phí (Bộ GTVT quản lý 73 trạm, UBND các tỉnh/TP quản lý 15 trạm). Trong đó có 17 trạm thu phí có bất cập (về vị trí, mức thu giá dịch vụ...). Trên cơ sở kết quả rà soát, Bộ GTVT báo cáo Chính phủ giải pháp xử lý đối với 17 trạm thu phí có bất cập này. Ngày 23-4-2018, Thường trực Chính phủ tổ chức họp để xem xét giải pháp xử lý các trạm thu phí bất cập, Thủ tướng Chính phủ đã kết luận “cơ bản đồng ý với các giải pháp Bộ GTVT đề xuất”.
“Hiện tại, đơn vị đã chỉ đạo các cơ quan phối hợp với nhà đầu tư, làm việc và thống nhất với tỉnh ủy, đoàn đại biểu Quốc hội, UBND các tỉnh có liên quan, căn cứ điều kiện cụ thể của từng dự án, tính toán, lựa chọn giải pháp phù hợp cho từng trạm, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người dân, Nhà nước và doanh nghiệp, bảo đảm hiệu quả tài chính của dự án…” - Bộ GTVT nhấn mạnh.