Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể tại cuộc họp vừa qua về tình hình quản lý, xét duyệt giờ hạ, cất cánh (slot) tại các cảng hàng không.
Người đứng đầu Bộ GTVT cũng giao Cục Hàng không Việt Nam, Hội đồng điều phối slot nghiên cứu, tham mưu Bộ đề xuất các giải pháp để tăng cường công tác quản lý nhà nước về vấn đề trên, đảm bảo công bằng giữa các hãng với người dân. Cố gắng giảm đến mức tối đa các chuyến bay chậm, hủy chuyến, ghép chuyến. Giảm tối đa thời gian chờ đợi trên sân bay để đáp ứng được yêu cầu của người dân.
Bộ trưởng lưu ý các cơ quan, đơn vị về những vấn đề liên quan đến việc đầu tư cơ sở hạ tầng sân bay, thời gian cất hạ cánh, hệ số dự phòng của các hãng hàng không, nghiên cứu tính trần giá vé và giá dịch vụ hàng không theo khung giờ… Ngoài ra, Bộ trưởng yêu cầu Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam đánh giá lại tổng thể tất cả cảng hàng không, sân bay, nghiên cứu đề xuất để tìm ra giải pháp nâng cấp các sân bay cần thiết...
Trước đó, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, cho biết tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, lịch bay hiện đã xác nhận cho bốn hãng hàng không Việt Nam và 55 hãng hàng không nước ngoài khai thác thường lệ với tổng số slot đã xác nhận (đã cấp) trung bình 804 slot/ngày.
Sân bay Nội Bài có lịch bay hiện tại xác nhận cho bốn hãng hàng không Việt Nam và 52 hãng hàng không nước ngoài khai thác với tổng slot đã xác nhận trung bình 556 slot/ngày. Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng có lịch bay hiện tại xác nhận cho bốn hãng hàng không Việt Nam và 24 hãng hàng không quốc tế với tổng slot đã xác nhận trung bình 242 slot/ngày.
Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh có lịch bay xác nhận cho ba hãng hàng không Việt Nam và 19 hãng hàng không nước ngoài khai thác thường lệ với tổng số slot đã xác nhận trung bình 160 slot/ngày.
Tại Cảng hàng không Cần Thơ, lịch bay hiện tại đã xác nhận cho ba hãng hàng không Việt Nam với tổng số slot đã xác nhận trung bình 20 slot/ngày.
Đối với tình trạng chậm, hủy chuyến, ông Đinh Việt Thắng cho biết có rất nhiều nguyên nhân nhưng trong đó chủ yếu là do thời tiết, yếu tố kỹ thuật, khai thác của các hãng hàng không... Theo đó, ông Thắng kiến nghị các giải pháp để giảm tình trạng này như tập trung vào các giải pháp về xây dựng quy phạm pháp luật, quy chế, quy định; giải pháp của các hãng hàng không; giải pháp về cơ sở hạ tầng cảng hàng không và nhóm giải pháp về quản lý điều hành bay.
Ngoài ra, một số đại biểu cũng đề nghị tăng chế tài xử phạt đối với các hãng hàng không thường xuyên chậm, hủy chuyến.
Trước đó, theo báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam, trong bảy tháng đầu năm 2018, tổng số chuyến bay khai thác của bốn hãng hàng không (Vietnam Airlines, VietJet Air, Jetstar Pacific và Vasco) là 177.510 chuyến bay. Trong đó có 26.578 chuyến chậm giờ và hủy. Tỉ lệ chuyến bay chậm giờ chiếm 14,7% và chuyến bay hủy chiếm 0,3%.
Theo đánh giá của Cục Hàng không Việt Nam, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các chuyến bay không đúng giờ, hủy chuyến là do máy bay về muộn, một phần do yếu tố kỹ thuật. Bên cạnh đó có một số nguyên nhân khác như dịch vụ chăm sóc khách hàng tại cảng, quản lý và điều hành bay, thời tiết...