Tin từ hãng Reuters cho hay Boeing đã mời hơn 200 phi công, nhà kỹ thuật, nhà điều hành bay trên toàn cầu đến trụ sở Boeing ở Mỹ để dự một kỳ họp thông tin, trong bối cảnh hãng đang tính toán khả năng đưa dòng máy bay 737 MAX vào khai thác thương mại lại.
737 MAX là máy bay bán chạy nhất của Boeing, và hiện tổng đơn hàng dòng máy bay này Boeing có được trị giá khoảng 500 tỉ USD.
Cuộc họp sẽ được tổ chức vào ngày 27-3, tại trụ sở Boeing ở TP Renton, bang Washington (Mỹ). Cuộc họp này là một phần của kế hoạch gặp tất cả các nhà điều hành dòng máy bay 737 MAX và các nhà quản lý hàng không các nước bàn về phần mềm kiểm soát bay MCAS và cập nhật huấn luyện về loại máy bay này, Reuters dẫn tuyên bố của Boeing cho biết.
Theo một người phát ngôn của Boeing, cuộc họp ngày 27-3 là một trong một loạt cuộc họp thông tin trực tiếp mà Boeing tổ chức.
“Chúng tôi đã lên lịch và sẽ tiếp tục sắp xếp các cuộc họp nữa nhằm giao tiếp với các khách hàng và các nhà điều hành 737 MAX hiện tại và tương lai”, người phát ngôn này nói.
Giám đốc điều hành Daniel Putut của Lion Air, hãng bay sở hữu chiếc Boeing 737 MAX 8 rơi ở Indonesia ngày 29-10-2018, cho biết Boeing đã thông báo về cuộc họp ngày 27-3, nhưng có khả năng hãng này sẽ không tham dự. Ông Putut từ chối bình luận thêm.
Hiện trường tai nạn của chiếc Boeing 737 MAX 8 của hãng Lion Air rơi ở Indonesia ngày 29-10-2018. Ảnh: SBS
Ethiopian Airlines, hãng bay sở hữu chiếc Boeing 737 MAX 8 rơi ở Ethiopia ngày 10-3, đã không bình luận về thông tin cuộc họp này. Cuối tuần rồi, các lãnh đạo điều hành hãng Ethiopian Airlines đã đặt câu hỏi liệu Boeing có truyền đạt đủ thông tin về phần mềm MCAS hay không.
Trong số các hãng được mời có hãng Garuda Indonesia, Tổng Giám đốc Ari Askhara của hãng xác nhận với Reuters ngày 25-3. Hãng Garuda Indonesia ngày 22-3 cho biết có kế hoạch hủy đơn hàng mua 49 chiếc 737 MAX với lý do hành khách mất niềm tin về dòng máy bay này sau hai vụ tai nạn liên tục chỉ trong hơn 4 tháng.
“Chúng tôi được thông báo ngày 22-3, nhưng vì quá gấp nên chúng tôi không thể gửi phi công qua đó”, ông Askhara nói, cho biết thêm hãng Garuda Indonesia đề nghị có một cuộc hội thảo video trực tuyến với Boeing nhưng không được đồng ý. Hãng Garuda Indonesia chỉ có một chiếc 737 MAX.
Hiện trường tai nạn của chiếc Boeing 737 MAX 8 của hãng Ehiopian Airlines rơi ở Ethiopia ngày 10-3. Ảnh: SAHARA REPORTERS
Hãng Singapore Airlines ngày 25-3 cũng cho biết có nhận lời mời từ Boeing, và sẽ gửi đại diện sang dự. Cơ quan Hàng không Dân dụng Singapore cũng sẽ gửi đại diện sang dự. Hãng Korean Air (Hàn Quốc) cũng cho biết sẽ gửi phi công sang. Hãng giá rẻ Eastar Jet của Hàn Quốc cũng sẽ gửi hai phi công qua.
Ngày 23-3, Boeing đã thuyết trình về phần mềm cập nhật MCAS với các phi công, kỹ thuật viên của ba hãng bay Mỹ có khai thác 737 MAX.
Một chiếc Boeing 737 MAX 8 đậu tại sân bay quốc tế King County ở Seattle, bang Washington (Mỹ). Ảnh: GETTY IMAGES
Theo Reuters, cuộc họp là tín hiệu cho thấy có thể phần mềm MCAS sắp được hoàn thành cập nhật, dù vẫn phải cần phía quản lý quy định hàng không chứng nhận thông qua.
Phần mềm này là một nội dung điều tra chính trong 2 vụ tai nạn rơi Boeing 737 MAX 8 chỉ trong vòng hơn 4 tháng. Báo cáo điều tra sơ bộ vụ tai nạn của Lion Air và cả các nhà điều tra vụ tai nạn của Ethiopian Airlines đều khoanh vùng điểm tương đồng về trục trặc hệ thống phần mềm này trong cả hai vụ tai nạn.
Một quan chức Mỹ cho biết lúc này Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) chưa chứng nhận phần mềm cập nhật MCAS và chương trình huấn luyện phi công của Boeing, nhưng có kế hoạch sẽ xem xét trong vài tuần tới và chứng nhận trong tháng 4 tới.