Hong Kong lâu nay được xem một trung tâm tài chính quốc tế, nhưng vai trò này đang bị đánh dấu hỏi sau khi Quốc hội Trung Quốc thông qua quyết định soạn thảo dự luật an ninh quốc gia dành cho đặc khu này.
Theo trang tin Pulse của Hàn Quốc, chính quyền Busan hôm 16-6 cho biết họ sẽ hợp tác với các tổ chức tại Trung tâm Tài chính Quốc tế Busan (BIFC) để tiếp cận những công ty tài chính ở Hong Kong đang nuôi ý định rời khỏi đó.
Busan sẽ tổ chức họp trực tuyến với các công ty tài chính ở Hong Kong một cách thường xuyên và thăm các công ty này một khi những quy định hạn chế nhập cảnh giữa Hàn Quốc và Hong Kong được dỡ bỏ để kêu gọi đầu tư.
Thành phố Busan muốn thay thế vị trí trung tâm tài chính quốc tế của Hong Kong. Ảnh: NBBJ
Chính quyền Busan cũng sẽ chạy quảng cáo trên các phương tiện truyền thông uy tín quốc tế như The Economist và Bloomberg để quảng bá hình ảnh của Busan như là trung tâm tài chính quốc tế tiếp theo có thể thay thế Hong Kong.
Theo tổ chức cung cấp dữ liệu quỹ phòng hộ Eurekahedge, Hong Kong hiện có hơn 420 quỹ phòng hộ, quản lý khối tài sản trị giá 91 tỉ USD - nhiều hơn tổng giá trị tài sản đang được quản lý ở Singapore, Úc và Nhật Bản.
Các chuyên gia dự đoán rằng các quỹ có trụ sở tại Hong Kong sẽ rời đi hàng loạt nếu luật an ninh quốc gia mới của Trung Quốc siết chặt các quy định tài chính và xã hội đối với lãnh thổ bán tự trị này.
Trong một diễn biến liên quan, Đặc khu trưởng Hong Kong Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga) ngày 16-6 cho biết bà hy vọng những người phản đối luật an ninh quốc gia mới “không phá hoại và bêu xấu” văn kiện này vì làm như vậy có nghĩa là đặt họ vào thế chống lại người dân đặc khu, theo hãng tin AP.