Các nước xuất hiện trong tài liệu mật bị rò rỉ của Mỹ lần lượt lên tiếng

(PLO)- Các nước xuất hiện trong tài liệu mật bị rò rỉ của Mỹ lần lượt lên tiếng bác bỏ những thông tin bất lợi liên quan đến mình.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 6-4, các tài liệu về kế hoạch bí mật của Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhằm xây dựng lực lượng Ukraine trước cuộc phản công chống lại Nga, đã bị rò rỉ trên các mạng xã hội, tờ The New York Times đưa tin.

Các tài liệu không đưa ra các kế hoạch chiến đấu cụ thể, như cách thức, thời gian và địa điểm Ukraine dự định tiến hành cuộc phản công. Chúng được Mỹ đưa ra từ 5 tuần trước, cung cấp một cái nhìn tổng quan, quan điểm của Mỹ và Ukraine về tình hình xung đột. Phía Ukraine cho rằng một lượng lớn thông tin trong các tài liệu này là “không chính xác”.

Không chỉ liên quan đến Ukraine, các tài liệu này còn nhắc đến một số đồng minh thân cận khác của Mỹ như Hàn Quốc, Israel và có cả thông tin liên quan đến Nga. Các nước có liên quan đã nhanh chóng bác bỏ một số thông tin mà họ cho rằng không chính xác trong những tài liệu trên.

Hàn Quốc

Tài liệu bị rò rỉ có kèm một đoạn trò chuyện chi tiết giữa 2 quan chức an ninh quốc gia cấp cao của Hàn Quốc về những lo ngại của Hội đồng An ninh Quốc gia nước này đối với yêu cầu cung cấp đạn dược của Mỹ.

Cụ thể, Hàn Quốc đã đồng ý bán đạn dược cho Mỹ nhằm giúp Washington bổ sung vào kho dự trữ. Tuy nhiên, nội bộ các quan chức Hàn Quốc lo lắng rằng Mỹ sẽ chuyển vũ khí ấy cho Ukraine.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin khẳng định Mỹ sẽ lật từng tảng đá để điều tra nguồn cơn của vụ rò rỉ tài liệu mật. Ảnh: REUTERS

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin khẳng định Mỹ sẽ lật từng tảng đá để điều tra nguồn cơn của vụ rò rỉ tài liệu mật. Ảnh: REUTERS

Hàn Quốc lo nếu điều này xảy ra sẽ đồng nghĩa với việc Hàn Quốc “gián tiếp” cung cấp vũ khí cho Ukraine. Điều này vi phạm chính sách của Hàn Quốc về việc không cung cấp viện trợ sát thương cho các quốc gia đang có chiến tranh.

Ngày 11-4, Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho biết bộ trưởng quốc phòng Hàn Quốc và bộ trưởng quốc phòng Mỹ đã điện đàm và đồng ý rằng "một số lượng đáng kể thông tin liên quan đến Hàn Quốc trong các tài liệu bị rò rỉ là bịa đặt", theo hãng tin AFP.

Liên quan đến những nghi ngờ về việc Mỹ nghe lén những cuộc thảo luận nội bộ của Seoul, Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc xác nhận những luận điểm này là “vô lý và sai lầm”.

"Văn phòng tổng thống ở Yongsan là một cơ sở quân sự. Nơi đây có hệ thống chống nghe lén mạnh hơn nhiều so với hệ thống ở Nhà Xanh”, cơ quan này cho biết.

Sau khi nhậm chức vào năm 2022, Tổng thống Yoon Suk-yeol đã chuyển văn phòng tổng thống từ Nhà Xanh đến tòa nhà cũ của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ở quận Yongsan, trung tâm Seoul.

Văn phòng của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol tại quận Yongsan, trung tâm thủ đô Seoul. Ảnh: YONHAP

Văn phòng của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol tại quận Yongsan, trung tâm thủ đô Seoul. Ảnh: YONHAP

Israel

Theo các tài liệu rò rỉ, Mossad - cơ quan tình báo của Israel - đã khuyến khích nhân viên và người dân tham gia biểu tình chống lại kế hoạch đại tu tư pháp của chính phủ.

Ngày 9-4, Văn phòng Thủ tướng Israel cho biết thông tin trên là "dối trá và không có bất kỳ cơ sở nào".

"Mossad và các quan chức cấp cao của của cơ quan này không khuyến khích nhân viên của mình tham gia biểu tình chính trị, biểu tình chống chính phủ hoặc bất kỳ hoạt động chính trị nào” - Văn phòng Thủ tướng Israel xác nhận.

Trước đó, kế hoạch đại tu tư pháp của Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã làm dấy lên những cuộc biểu tình phản đối lớn ở Israel. Sau nhiều tuần biểu tình căng thẳng, vào cuối tháng 3, ông Netanyahu cho biết ông sẽ tạm hoãn cuộc đại tu để tiến hành đàm phán với các đảng đối lập.

Nhiều cuộc biểu tình nổ ra sau kế hoạch đại tu tư pháp của Thủ tướng Benjamin Netanyahu. Ảnh: REUTERS

Nhiều cuộc biểu tình nổ ra sau kế hoạch đại tu tư pháp của Thủ tướng Benjamin Netanyahu. Ảnh: REUTERS

Ai Cập

Theo tờ The Washington Post, các tài liệu rò rỉ cũng đề cập đến các cuộc trò chuyện giữa Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi và các quan chức quân sự cấp cao của nước này.

Theo các tài liệu, tổng thống Ai Cập đã chỉ đạo sản xuất 40.000 hỏa tiễn để chuyển giao cho Nga và yêu cầu quy trình sản xuất, vận chuyển số vũ khí này phải được giữ bí mật để "tránh các vấn đề với phương Tây". Tài liệu cũng đề cập đến các kế hoạch của Ai Cập về việc chuyển đạn pháo và thuốc súng cho Nga.

Bộ Ngoại giao Ai Cập không đưa ra bình luận về vụ việc. Tuy nhiên, ngày 11-4, tờ Al-Ahram - tờ báo hàng đầu Ai Cập - cho biết một “nguồn tin chính thức của Ai Cập” đã phủ nhận việc nước này chuyển hỏa tiễn cho Nga.

Cũng trong hôm 11-4, ông Dmitry Peskov - người phát ngôn điện Kremlin - cho rằng việc Ai Cập chuyển vũ khí cho Nga như trong tài liệu nói đến là điều dối trá, theo hãng thông tấn Tass.

“Có vẻ như đây là thông tin sai lệch mới nhất, là vấn đề mà chúng tôi đã xử lý rất nhiều trong thời gian gần đây” - ông Peskov nói.

Ông Dmitry Peskov - người phát ngôn Điện Kremlin. Ảnh: TASS

Ông Dmitry Peskov - người phát ngôn Điện Kremlin. Ảnh: TASS

Các Tiểu vương quốc Ả Râp Thống nhất

Tài liệu bị rò rỉ cho rằng các sĩ quan tình báo Nga đã thuyết phục được Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) “hợp tác chống lại các cơ quan tình báo của Mỹ và Anh”, theo hãng tin AP.

Ngày 10-4, UAE đã bác bỏ thông tin trên, cho rằng chúng "hoàn toàn sai sự thật".

“Chúng tôi bác bỏ mọi cáo buộc liên quan đến thỏa thuận tăng cường hợp tác giữa UAE và cơ quan an ninh của các quốc gia khác, nhằm chống lại bên thứ ba”, tuyên bố của chính phủ UAE cho biết. Trong tuyên bố, chính phủ quốc gia vùng Vịnh này cũng nhấn mạnh nước này có “mối quan hệ sâu sắc và đặc biệt với tất cả quốc gia”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm