“Do không thực hiện được các thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư, gia hạn hiệp định nên dự án không thể tiếp tục triển khai, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ hoàn thành, tiềm ẩn rủi ro lớn về pháp lý, khiếu nại, khiếu kiện, kéo dài thời gian, phát sinh chi phí và hiệu quả kinh tế dự án”. Văn bản của Bộ GTVT mới nhất gửi Thủ tướng về các vướng mắc kéo dài của dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành cho biết như trên.
Nguy cơ cắt toàn bộ nguồn vốn
Cụ thể, dự án này có hai hiệp định vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) với tổng giá trị là 636 triệu USD. Hiệp định vay lần 1 (2730-VIE) trị giá 350 triệu USD đã đóng ngày 30-6-2019. Hiệp định vay vốn lần 2 (3391-VIE) trị giá 286 triệu USD sẽ hết hạn vào ngày 30-6-2020. Hiệp định tài trợ khung cho cả hai khoản vay (MFF) sẽ hết hạn ngày 14-12-2020.
Bộ GTVT cho biết công tác xây lắp trên công trường đang hoạt động cầm chừng do không được bố trí vốn và tiếp tục giải ngân.
Thời gian thực hiện dự án theo quyết định đầu tư đã kết thúc ngày 30-6-2019. Đến nay chưa được gia hạn dẫn đến các gói thầu sử dụng khoản vay lần 2 (3391-VIE) không thể giải ngân dù đang trong thời gian thực hiện hợp đồng. ADB cũng đã thông báo chấm dứt khoản vay 2730-VIE nên chưa có nguồn vốn để tiếp tục giải ngân cho các khối lượng còn lại của các gói thầu.
“Hiệp định vay 3391-VIE sắp hết hạn, hiệp định tài trợ khung MFF cho dự án sẽ đóng ngày 14-12-2020. Khi điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng chấp thuận gia hạn thời gian thực hiện khoản vay 3391-VIE đến ngày đóng MFF. Tuy nhiên, nội dung này chưa được chấp thuận” - Bộ GTVT nêu các vướng mắc.
Theo Bộ GTVT, trường hợp các vướng mắc về thủ tục pháp lý kéo dài, công thư đề xuất gia hạn không kịp thời gửi đến ADB theo yêu cầu thì ADB sẽ cắt toàn bộ nguồn vốn cam kết tài trợ cho dự án. Dự án sẽ chỉ được tái khởi động khi xác định được nguồn vay khác thay thế. Điều này được nhận định là rất khó khăn trong điều kiện hiện nay.
Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành đang gặp vướng mắc, ảnh hưởng tiến độ triển khai. Ảnh: VŨ HỘI
Sẽ xử lý được để tiếp tục dự án
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Quốc Bình, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) - chủ đầu tư dự án, cho biết trước mắt việc gửi công thư đề xuất gia hạn qua ADB được thông qua thì khó khăn sẽ được giải quyết.
“Hôm qua (19-3 - PV), Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đã có cuộc họp tháo gỡ cho dự án với các Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT… nên tôi nghĩ vấn đề sẽ được xử lý trong thời gian tới” - ông Bình nói.
Về phía Bộ GTVT, để đảm bảo nguồn vốn cho dự án, bộ kiến nghị Chính phủ sớm ban hành nghị quyết về xử lý vướng mắc trong thời gian thực hiện các dự án đầu tư xây dựng của doanh nghiệp thuộc quản lý của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Nghị quyết sẽ làm cơ sở thực hiện ngay các thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư (điều chỉnh tiến độ, gia hạn hiệp định vay…).
Trong thời gian chờ Chính phủ, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng xem xét, chấp thuận ba vấn đề:
Thứ nhất: Cần cho phép sử dụng vốn dư của khoản vay lần 2 (3391-VIE) để hoàn thành các công việc chưa được thực hiện của khoản vay lần 1 (2730-VIE, hết hạn hiệp định) với giá trị 65,5 triệu USD.
Thứ 2: Bộ kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Tài chính có ngay công thư đề xuất ADB gia hạn khoản vay lần 2 đến thời điểm đóng hiệp định khung MFF (14-12-2019).
Thứ 3: Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cần chủ trì phối hợp với Bộ GTVT và các cơ quan liên quan chỉ đạo VEC rà soát tiến độ tổng thể của dự án. Đồng thời rà soát các gói thầu làm cơ sở tiếp tục thủ tục gia hạn hiệp định khung MFF, khoản vay 3391-VIE đến hết năm 2023 (dự kiến) để hoàn thành dự án.
Chi phí phát sinh khoảng 70 triệu USD Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành được khởi công từ tháng 7-2014 với tổng mức đầu tư 31.320 tỉ đồng (tương đương 1,6 tỉ USD). Dự án có chiều dài 57,7 km, đi qua các tỉnh Long An 5,49 km (gồm huyện Bến Lức, huyện Cần Giuộc), TP.HCM gần 25 km (gồm các huyện Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ) và Đồng Nai 27,285 km (gồm huyện Nhơn Trạch và Long Thành). Theo VEC, hiện nay khối lượng toàn dự án đã đạt được gần 80%, tuy nhiên công trình đang bị đình trệ. Nguyên nhân là do đơn vị không được bố trí vốn giải phóng mặt bằng và vốn xây lắp đường cao tốc. Trước tình hình trên, VEC đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ về tình hình dự án. Cụ thể, một nhà thầu tư vấn giám sát đã tính chi phí phát sinh ở gói thầu J1 và J3 khoảng 70 triệu USD. |