Cách hành xử dã man như thời trung cổ
Xem phóng sự về vụ những kẻ trộm chó bị những người dân ở một vùng quê đánh chết hoặc thương tích trầm trọng, phát trên kênh ANTV tôi rùng mình về sự tàn ác trong cách hành xử giữa người với người này. Thật kinh khiếp khi con chó đổi mạng người. Kẻ trộm chó dĩ nhiên là phạm tội, nếu bắt được đã có luật pháp trừng trị chúng; còn những người tham gia đánh kẻ trộm chó đến chết hoặc trọng thương thì càng phạm trọng tội. Không thể có một sự biện minh nào về cách hành xử dã man như thời trung cổ và coi thường luật pháp như vậy. Thật khó giải thích về cách hành xử dã man của những người nông dân xưa nay vốn hiền lành, nhân hậu. Không thể nói là do khó khăn kinh tế, bởi thời chiến tranh, thời bao cấp, đời sống còn khó khăn biết bao nhưng người ta lại rất tương trợ nhau, còn lý giải là do xót của lại không thể chấp nhận được (giá bán con chó, con mèo vốn không lớn) hoặc xót ruột vì mất con vật nuôi thân thiết cũng không ổn, bởi đám đông tham gia đánh kẻ trộm chỉ có một vài người bị trộm, số đông còn lại là do bị cái ác kích động.
Thế cái ác từ đâu ra? Cái ác thì ở đâu và thời nào cũng có nhưng nó “liên tục phát triển” và lộng hành như ở nước ta hiện nay thì rõ ràng là rất đáng báo động, nó báo hiệu một giai đoạn đạo đức suy đồi trầm trọng. Phải chăng vì suốt một thời gian dài người ta chỉ lo dạy cho học sinh một cách thực dụng, giỏi chuyên môn để ra trường, bằng mọi cách - kể cả lo lót, chạy chọt - để kiếm được việc làm tốt, có vị trí tốt, thu nhập cao… mà hầu như không dạy kỹ năng sống và đạo đức công dân. Hoặc có dạy thì cũng là kiểu dạy đối phó, dạy cho có dạy, vậy thôi. Rất dễ thấy hiện nay môn giáo dục công dân mỗi tuần có một tiết học nhưng bị lồng ghép đủ thứ vào đó: nào là văn hóa giao thông, sức khỏe sinh sản, phòng chống ma túy, an ninh quốc phòng… Thế thì còn thời giờ đâu mà dạy đạo đức, kỹ năng sống.
Ngoài ra, hiện nay một thực trạng khác cũng đáng báo động. Đó là ảnh hưởng phim ảnh bạo lực, trò chơi bạo lực giết người như ngóe cả trên băng đĩa lẫn trực tuyến. Lại còn ảnh hưởng văn hóa Hàn Quốc với kiểu cổ võ cho lối sống “thực dụng đến từng xăng ti mét”. Trên phim Hàn, các nhân vật chính luôn tìm mọi cách để đạt được mục đích tối thượng là tiền bạc và địa vị. Và theo một thống kê không chính thức thì trên 50% giới trẻ thành thị Việt Nam hiện nay tuổi từ 20 đến 30 chịu ảnh hưởng rất nặng văn hóa Hàn Quốc. Và họ cũng thực dụng không kém giới trẻ Hàn. Kể cả những bộ phim truyền hình Việt đề tài hiện đại cũng chạy theo xu thế thực dụng không kém phim Hàn.
Cái ác tiềm tàng trong ngõ ngách
Tội ác giống như con quỷ, chặt đầu này nó sẽ mọc đầu khác. Cái ác tiềm tàng trong những ngóc ngách đời sống. Phải diệt nó từ trong mầm mống. Phải “trường kỳ kháng chiến” đấu tranh với cái ác. Bằng một nền giáo dục nhân bản, dạy làm người từ những năm đầu đời cho đến khi trưởng thành.
Song song đó là phải trị tận gốc những tội ác bằng luật pháp nghiêm minh - mà hiện nay, có nơi, có lúc người dân đã mất niềm tin vào sự nghiêm minh của những người thi hành luật pháp. Vì vậy mới xảy ra chuyện người dân tự đứng ra “xử”, như những trường hợp đánh chết kẻ trộm chó kể trên, thay vì phải nhờ pháp luật can thiệp. Và còn hàng trăm, hàng ngàn vụ người dân tự đứng ra xử lý theo cách của họ mà khi cơ quan chức năng can thiệp thì đã muộn, đôi khi để lại những hậu quả nghiêm trọng khó lường.
PHẠM ĐÌNH THỐNG