Cần ‘đại phẫu’ về chi tiêu, lãng phí ngân sách

Ngày 3-11, Quốc hội (QH) tiếp tục thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế-xã hội, thu chi ngân sách năm 2016 và kế hoạch phát triển năm tới. Các đại biểu (ĐB) tiếp tục chỉ ra tình trạng ngân sách nhà nước (NSNN) chi tiêu lãng phí, nhiều khoản chi thường xuyên không cần thiết như hội họp, lễ hội, đi công tác nước ngoài, đặc biệt ngân sách chi quá lớn để nuôi bộ máy hành chính cồng kềnh.

“Sai quy trình và rất nguy hiểm”

ĐB Đỗ Thị Hoàng (Quảng Ninh) cho biết cử tri rất quan tâm đến vấn đề thâm hụt NSNN, nhất là tình trạng quản lý yếu kém trong việc thu chi. Đặc biệt NSNN chi quá nhiều để nuôi bộ máy công chức, viên chức cồng kềnh hiện nay. Một số cơ quan nhà nước phân bổ nhân sự không hợp lý, không quy trách nhiệm đến cùng, dẫn đến hiệu quả chỉ có một nhưng nhân lực lại gấp đôi. “Đội ngũ công chức, viên chức hưởng NSNN ngày càng đông, có thực tế bất hợp lý là chúng ta càng tinh giản biên chế thì công chức càng tăng. Năm 2014, tổng biên chế hành chính sự nghiệp tăng hơn 30% so với 2007” - bà Hoàng nêu dẫn chứng.

ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) cho rằng Bộ Tài chính đang nằm trong thế khó và ông cảm nhận có điều gì đó không ổn về NSNN. Nhất là việc Bộ Tài chính sẽ lấy nguồn nào để tăng lương cho năm sau và liệu có giảm được chi thường xuyên với các khoản không cần thiết. Ông Lịch đề xuất nhất quyết năm sau không được tăng chi NSNN cho bộ máy hành chính.

Theo ông Lịch, thực tế hiện nay các cơ quan, tổ chức tập trung xây dựng rất nhiều trụ sở, đây là việc làm quá lãng phí. “Chi xây dựng trụ sở là chi mua sắm tiêu dùng chứ không phải chi đầu tư sinh lời. Việc chúng ta gộp khoản xây trụ sở vào chi đầu tư là vung tay, lãng phí” - ông Lịch nêu quan điểm.

Từ đó ông Lịch kiến nghị Chính phủ cần thay đổi cơ cấu về thu, giảm chi và phương thức chi với quan điểm cân đối thu trước rồi mới chi. “Nếu chi trước rồi mới thu sau là sai quy trình và rất nguy hiểm” - vị này nêu kiến nghị.

ĐBQH Trần Du Lịch: “Chi xây dựng trụ sở là chi mua sắm tiêu dùng chứ không phải chi đầu tư sinh lời. Việc chúng ta gộp khoản xây trụ sở vào chi đầu tư là vung tay, lãng phí”. Ảnh: QH

“Phải minh bạch tất cả khoản chi tiêu của Chính phủ”

ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) thẳng thắn đề nghị QH lấy năm 2016 là năm tiết kiệm và kỷ cương hành chính. Theo bà An, nếu ta coi tham nhũng là giặc thì lãng phí sẽ là kẻ thù, đã là kẻ thù thì phải xử lý, kẻ thù này rất nguy hiểm vì nó ở ngay chính trong ta. “Tôi đề nghị phải lấy tiết kiệm ở lãng phí là chỉ tiêu thi đua cho năm 2016. Ví dụ, tỉnh nào, địa phương nào cắt giảm được nhiều chi tiêu thường xuyên không cần thiết, ví dụ thông qua tiết kiệm không mua sắm xe công, không tổ chức nhiều lễ hội lãng phí, không xây trụ sở hoành tráng, bộ máy và biên chế tinh giản, cắt được những chuyến đi nước ngoài không cần thiết... Tôi đề nghị sẽ có thưởng. Để làm được vấn đề này tốt, tôi đề nghị công khai, minh bạch tất cả khoản chi tiêu của Chính phủ” - bà An nêu quan điểm.

Đồng quan điểm này, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) đặt vấn đề: “Báo cáo Chính phủ nêu rất khái quát “là thực hành tiết kiệm chống lãng phí được tập trung chỉ đạo, có chuyển biến tích cực”. Vậy có thực sự tập trung chỉ đạo không, chuyển biến tích cực ở những điểm nào? Tôi đề nghị Chính phủ giải trình thêm vấn đề này”. Theo bà Tâm, đến nay chưa có một đánh giá tổng thể về tình hình tiết kiệm, chống lãng phí và cũng chưa có một cuộc bàn thảo nào bàn đến nơi đến chốn vấn đề này trong QH.

Cụ thể hơn, bà Tâm chỉ ra: “Nói tổ chức bộ máy cồng kềnh, chức năng thì chồng chéo, nhiệm vụ thì trùng lắp… Vậy bộ máy cồng kềnh đó gây lãng phí bao nhiêu thì chưa có ai đánh giá cụ thể. Chúng ta cứ nói, cứ nêu trong báo cáo, đó là một trong những nguyên nhân gây căng thẳng cho ngân sách. Vậy lãng phí bao nhiêu, lãng phí ở đâu, lãng phí như thế nào thì chưa ai nói được. Chưa có một báo cáo nào nói ngân sách chi ra bao tiền để đào tạo một cử nhân, kỹ sư. Xã hội bỏ ra bao nhiêu tiền, ngân sách bỏ ra bao nhiêu tiền. Đào tạo rồi, không bố trí được việc làm, không thi tuyển được… thì gây lãng phí bao nhiêu?”.

Bà Tâm đề nghị QH hãy dành một phiên họp chuyên đề để nghe Chính phủ báo cáo quá trình kiểm tra, đánh giá về vấn đề lãng phí, thực hành tiết kiệm trong thực tế để từ đó có đối sách. “QH cũng phải xem lại trong quyết sách của mình có điểm nào hở không, đầy đủ không, cần làm cái gì mới không; vì sao quyết sách đưa ra rồi mà không đi vào thực tiễn được, trong khi đó lãng phí là tiêu tốn nguồn lực của người dân” - ĐB Tâm đề xuất.

Làm rõ hơn 14.000 tỉ đồng tiền thừa ở dự án nâng cấp QL1A

Về vấn đề dự án nâng cấp QL1A và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên dư hơn 14.000 tỉ đồng, ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) cho rằng một dự án lớn như thế mà tiết kiệm hơn 23% là điều nên xem lại. “Chúng ta cần làm rõ điều chỉnh thiết kế ở những đoạn nào, ở công trình nào? Chúng ta nói thi công hợp lý thì hợp lý thế nào, tiết kiệm được bao nhiêu? Thủ tướng chỉ đạo tiết kiệm 5% cho toàn bộ công trình này hay chỉ một vài công trình nào đó?”.

Theo ông Minh, cử tri hết sức lo lắng về việc cắt giảm quy mô đầu tư của dự án sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Thực tế những công trình vừa làm xong đã sụt, nứt, lún hay như việc điều chỉnh thiết kế QL1A từ sáu làn xuống bốn làn, không có làn cho xe thô sơ và người đi bộ thì liệu có đúng thẩm quyền, quy định tại nghị quyết của QH?

Đặc biệt là đoạn QL1A qua Quảng Nam vì đoạn Tam Kỳ - Đà Nẵng, Bộ GTVT đã thu hẹp, cắt còn bốn làn xe nên xe phải vượt phải, TNGT xảy ra liên tục và có chiều hướng tăng. Đề nghị đầu tư mở rộng theo đúng thiết kế và rà soát trên cả nước chỗ nào bị thu hẹp như thế thì cần đầu tư mở rộng theo đúng tiêu chuẩn thiết kế.

Giải đáp thắc mắc này, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết trong tổng số dư hơn 14.000 tỉ đồng có giảm 4.485 tỉ đồng do chênh lệch giữa tổng nguồn vốn bố trí cho các dự án và tổng mức đầu tư dự án đã được phê duyệt. Giảm 1.070 tỉ đồng do thực hiện hình thức chỉ định thầu mà Chính phủ cho phép; giảm 686 tỉ đồng chi phí giải phóng mặt bằng,…

Riêng về dự án QL1 qua Quảng Nam, theo ông Thăng, toàn bộ dự án QL1 này đã được Chính phủ phê duyệt toàn tuyến với chiều rộng là 20,5 m nền đường, 19,5 m lòng đường, không có dải phân cách trồng cây xanh, không có đèn chiếu sáng. Đoạn đường nào đi qua đô thị nếu địa phương nào có điều kiện thì cùng góp tiền làm hệ thống đèn chiếu sáng và trồng cây xanh, còn lại toàn bộ toàn tuyến thống nhất cùng kích thước.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thì tỉnh Quảng Nam đã có giải trình báo cáo do QL1 đi qua nhiều khu công nghiệp và khu dân cư nên cần mở rộng, do đó tỉnh Quảng Nam đã báo cáo trình Thủ tướng và Bộ GTVT cùng các bộ liên quan đã thẩm định và đề nghị. Thế nhưng lần thứ nhất, Thủ tướng không đồng ý cho mở rộng, đến lần thứ hai Thủ tướng đồng ý làm theo hình thức BOT, không lắp thêm trạm thu phí với quy mô rộng 16,5 m, bốn làn xe theo đề nghị của tỉnh Quảng Nam.

TRÀ PHƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm