Nhằm đáp ứng nhu cầu được cung cấp thông tin về hiện trạng chất lượng môi trường không khí hằng ngày một cách chính xác, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, đã có văn bản kiến nghị UBND TP xem xét, chấp thuận việc tăng cường tần suất quan trắc chất lượng môi trường không khí tại 30 vị trí quan trắc hiện hữu từ 10 ngày/tháng vào hai thời điểm lên ba thời điểm ngày và quan trắc hằng ngày.
Ô nhiễm không khí diễn ra phức tạp
Ùn tắc giao thông là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí. Ảnh: CN
Thời gian gần đây, tình hình ô nhiễm không khí tại TP.HCM diễn ra phức tạp làm nhiều người dân lo lắng về sức khỏe. Theo Sở TN&MT TP.HCM, ô nhiễm không khí trên địa bàn TP chủ yếu đến từ ba loại nguồn chính, cụ thể là:
Thứ nhất là ô nhiễm không khí do hoạt động giao thông. Theo thống kê, trên địa bàn TP hiện có khoảng gần 10 triệu phương tiện giao thông. Trong đó, có không ít phương tiện cá nhân không thực hiện nghiêm túc chế độ bảo dưỡng định kỳ, đây chính là nguyên nhân khiến lượng khí phát thải ra môi trường với mức độ độc hại lớn. Bên cạnh đó, trên địa bàn TP vẫn tồn tại nhiều điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông, điều này cũng chính là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường không khí, đặc biệt là vào các khoảng thời gian người dân đi làm.
Thứ hai là ô nhiễm do các hoạt động xây dựng. Các hoạt động phá dỡ, xây dựng, thiết bị máy móc phục vụ xây dựng… đã gây ra ô nhiễm không khí và ô nhiễm tiếng ồn ảnh hưởng đến người dân.
Thứ ba là ô nhiễm do các hoạt động công nghiệp. Thành phố có khoảng 1.000 nhà máy xí nghiệp quy mô lớn và hàng chục ngàn cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp. Hiện trên địa bàn TP có các cơ sở sản xuất nhất là các cơ sở sản xuất tiểu - thủ công nghiệp nằm xen kẽ với khu vực dân cư nên khí thải từ những cơ sở sản xuất này đã gây ảnh hưởng đến không ít người dân.
Đề xuất thực hiện quan trắc hằng ngày
Theo Sở TN&MT, kết quả quan trắc cho thấy có sự thay đổi lớn giữa các ngày, các thời điểm trong ngày, chịu ảnh hưởng từ các vấn đề khách quan như diễn biến xây dựng của khu vực, tình hình giao thông, tác động của các yếu tố bất lợi từ thời tiết nên khó đánh giá, cảnh báo cho người dân hiện trạng ô nhiễm môi trường không khí.
Để đáp ứng nhu cầu được cung cấp thông tin về tình hình chất lượng môi trường không khí hằng ngày được chính xác, đúng quy định trong thời gian chờ đầu tư, lắp đặt mạng lưới các trạm quan trắc môi trường không khí tự động liên tục. Sở TN&MT đã kiến nghị UBND TP tăng cường công tác quan trắc và công bố thông tin về chất lượng môi trường không khí tại TP.
Theo đó, hiện tại tần suất quan trắc tại 30 vị trí quan trắc hiện hữu là 10 ngày/tháng, vào hai thời điểm. Thì từ nay, Sở đề nghị tăng cường lên ba thời điểm/ngày và quan trắc hằng ngày. Ba mốc thời điểm được đề xuất là: 7 giờ 30-8 giờ 30; 15 giờ-16 giờ và 20 giờ -21 giờ. Đây là thời điểm nhiều người dân tham gia các hoạt động ngoài đường hoặc giao thông nhất.
Ngoài ra, Sở cũng kiến nghị tăng cường quan trắc thông số bụi PM10 và PM2,5 tại tất cả vị trí quan trắc, nhằm đánh giá chi tiết về hàm lượng các bụi mịn trong không khí trên địa bàn TP. Cạnh đó, người dân có thể nắm bắt thông tin quan trắc hàng ngày trên website và ứng dụng điện thoại thông minh hàng ngày, độ trễ của số liệu quan trắc là năm ngày.
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, hiện nay trên địa bàn TP.HCM có 327 điểm đặt trạm quan trắc thủ công. Trạm quan trắc tự động đang được ghi vốn và đầu tư, đến cuối năm 2019 sẽ đưa vào vận hành thử sáu trạm quan trắc tự động, với dự kiến đầu tư hơn 58 trạm torng thời gian tới. |