Một người đàn ông 63 tuổi bị bắn chết sau khi dùng một lưỡi hái đe dọa một số nhân viên y tế và cảnh sát tại một chốt kiểm soát COVID-19 tại thị trấn Nasipit ở tỉnh Agusan del Norte (miền Nam Philippines), báo South China Morning Post (SCMP) dẫn thông báo từ cảnh sát nước này cho biết ngày 4-4.
Vụ việc xảy ra ngày 2-4. Người đàn ông này được cho là đã có uống rượu khi có hành vi đe dọa lực lượng chức trách.
“Nghi can bị một nhân viên y tế trong làng nhắc nhở vì không đeo khẩu trang. Nhưng rồi nghi can nổi giận lên, có những lời lẽ khiêu khích, rồi cuối cùng dùng một lưỡi hái tấn công lực lượng chức trách” - SCMP dẫn báo cáo của cảnh sát.
Người đàn ông này bị một cảnh sát bắn chết trong quá trình cố làm người này bình tĩnh lại.
Người dân địa phương tình nguyện canh gác tại một chốt kiểm soát ngừa COVID-19 ở thủ đô Manila (Philippines) ngày 3-4. Ảnh: EPA-EFE
Vụ việc này là lần đầu tiên cảnh sát bắn chết dân thường vì không tuân thủ các lệnh cấm để ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan ở Philippines.
Trước đó, phát biểu trên truyền hình tối 3-4, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cảnh cáo người dân cần phải nhận thức được sự nghiêm trọng của tình hình vì bất cứ ai cũng có thể nhiễm bệnh, đồng thời tuyên bố cảnh sát có quyền bắn chết bất cứ ai gây rắc rối cho công tác kiểm soát chống dịch COVID-19.
“Không có các lệnh cấm này, điều này sẽ không chấm dứt. Nếu quý vị không muốn tuân theo, tôi sẽ kết thúc (mạng sống - PV) bạn để bảo vệ những người vô tội không muốn chết (vì dịch - PV)” - ông Duterte cứng rắn.
“Tôi sẽ không chần chừ. Tôi ra lệnh với cảnh sát và quân đội cũng như với các quan chức địa phương, nếu có bất kỳ rắc rối nào hoặc sự cố bạo lực nào và tính mạng các bạn gặp nguy hiểm, bắn chết họ” - đài CBS News dẫn lại lời ông Duterte.
“Đừng đe dọa chính phủ. Đừng thách thức chính phủ. Quý vị sẽ thất bại thôi” - ông Duterte cảnh cáo người dân.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã tuyên bố cảnh sát có quyền bắn chết bất cứ ai gây rắc rối cho công tác kiểm soát chống dịch COVID-19. Ảnh: AP
Động thái này của ông Duterte làm người ta nhớ tới cuộc chiến truy quét ma túy mà ông khởi xướng từ khi mới nhậm chức với hàng ngàn nghi can đã bị cảnh sát bắn chết không qua xét xử.
Từ ngày 16-3, các tỉnh thuộc đảo Luzon (đảo lớn nhất ở Philippines, trung tâm kinh tế và chính trị của đảo quốc này và có thủ đô Manila) đã nằm trong tình trạng “tăng cường cách ly cộng đồng”.
Lệnh “tăng cường cách ly cộng đồng” dự kiến kéo dài đến ngày 12-4. 57 triệu dân thuộc đảo Luzon bị cấm ra khỏi nhà ngoại trừ các trường hợp cần kíp như đến cửa hàng tạp hóa, hiệu thuốc, hay là nhân viên y tế đi làm việc.
Xe ba bánh có trùm mảnh nylon ngừa lây nhiễm COVID-19 ở thủ đô Manila (Philippines) ngày 3-4. Ảnh: AP
Báo Inquirer ngày 5-5 dẫn thông tin từ lực lượng đặc nhiệm chống COVID-19 của Philippines cho biết sau ngày 12-4 lệnh “tăng cường cách ly cộng đồng” có thể sẽ được gia hạn thêm 15-20 ngày nữa.
Nhiều tỉnh khác bên ngoài đảo Luzon cũng áp nhiều lệnh cấm nhằm ngăn chặn dịch lây lan.
Bên cạnh các biện pháp hạn chế đi lại để kiềm dịch chính phủ Philippines đã bắt đầu phân phát tiền hỗ trợ các gia đình nghèo và người lao động bị ảnh hưởng. Số tiền này nằm trong gói cứu trợ 200 tỉ peso (4 tỉ USD).
Tính đến trưa 5-4 Philippines đã có tới 3.094 ca nhiễm (tăng 76 ca trong ngày 4-4), trong 144 người đã chết (thêm tám người so với ngày trước đó), mới chỉ có 57 người được điều trị hồi phục.