Mắc chứng bệnh bại não nặng khi mới sinh ra và chỉ có thể di chuyển tay chân hết sức giới hạn, Jonathan thậm chí phải dựa vào bình thở ôxy và gặp khó khăn trong việc nhai thức ăn hơn những đứa trẻ bình thường. Trong suốt 12 năm, cha mẹ cậu bé đã sử dụng những tín hiệu phi ngôn ngữ trên khuôn mặt như nở nụ cười hay nhăn mặt cau có để giao tiếp với em.
Jonathan Bryan 12 tuổi đánh vần từng chữ bằng cách nhìn lên bảng. Ảnh: CNN
Tất cả đã thay đổi khi mẹ của Jonathan, Chantal Bryan, bắt đầu đưa cậu bé rời khỏi trường trong vài giờ mỗi ngày để đọc và viết. Khi Jonathan lên chín tuổi, em có thể đánh vần bất cứ điều gì em muốn. Chỉ vài năm sau đó, cậu bé Bryan đã sử dụng thành thục đôi mắt của mình để nói lên điều mình muốn và “viết” được tự truyện Eye Can Write: A Memoir Of A Child's Silent Soul Emerging của riêng mình cùng với sự hỗ trợ của E-Tran và bạn bè, người thân.
E-Tran là hệ thống giao tiếp gồm một tấm nhựa trong suốt với các chữ cái và các màu sắc được mã hóa. Do đó chỉ cần di chuyển đôi mắt Jonathan có thể viết bằng cách thực hiện cùng người giữ tấm bảng và đánh vần.
"Chúng ta đang giao tiếp bằng đôi mắt đấy" - Bryan nói với CNN.
Cuốn hồi ký Eye Can Write được hoàn thiện trong vòng một năm và ra mắt hôm 12-7 đã nhận được rất nhiều phản hồi tích cực. Nó cho phép người đọc được cảm nhận thế giới quan thông qua đôi mắt của cậu bé. Bắt đầu từ những chi tiết về mẹ và cuộc đời trước đó của Jonathan, cách em học đánh vần, học viết và đức tin của mình đối với Kitô giáo.
Cậu bé với cuốn sách của mình. Ảnh: BBC
Mặc dù cuốn sách nói chủ yếu về cuộc đời của cậu bé bại não Jonathan nhưng mẹ em vẫn rất tin tưởng vào thông điệp của cuốn sách. Cô hy vọng cuốn sách có thể giúp cho các trẻ em và cha mẹ chúng có thể vươn lên trong cùng hoàn cảnh. “Những gì bạn nhìn thấy khi nhìn vào một ai đó không phản ánh hết những gì bạn biết về họ, chúng tôi rất tự hào về Jonathan” - cô chia sẻ.
Cậu bé nhận giải thưởng từ hoàng tử Harry và William năm ngoái. Ảnh: AFP
"Cơ thể em không làm được gì nhiều nhưng điều đó không có nghĩa là trí não em không hoạt động. Em là tiếng nói của những người không thể nói chuyện" - Jonathan nói với CNN qua khung E-Tran.
Hiện tại, Jonathan đang đấu tranh cho tất cả trẻ em để được quyền học đọc và viết. Mẹ của em cũng đã viết một bài giới thiệu về cuốn sách. Một phần tiền thu được từ cuốn sách sẽ được quyên tặng cho Quỹ Teach us Too, một tổ chức từ thiện nhằm thúc đẩy hệ thống giáo dục, nơi tất cả trẻ em đều được dạy đọc và viết, bất kể tình trạng khuyết tật của chúng.