Trước thông tin giảm 50% lệ phí trước bạ có thể được áp dụng trong tháng 7 này, nhiều người dân đổ xô đi mua xe để được hưởng lợi ích từ chính sách này.
Theo ghi nhận của PV PLO, nhiều đại lý như Honda, Hyundai, Toyota hay Mercedes… khách hàng liên tục liên hệ tham khảo giá bán và đặt cọc xe. Khi thời điểm chính thức áp dụng giảm lệ phí trước bạ, khách hàng sẽ thành toán tiền và đăng ký xe. Thậm chí nhiều khách hàng mua xe về nhà nhưng chưa vội đăng ký để hưởng lợi từ chính sách này.
Khách hàng đặt cọc nhiều dòng xe Honda để hưởng lợi từ giảm lệ phí trước bạ. Ảnh: TN
Tuy nhiên, việc mua xe nhưng không đăng ký theo quy định của pháp luật, khách hàng hoặc đại lý có thể bị xử phạt hành chính.
Cụ thể, tại Thông tư 15/2014 quy định về đăng ký xe chỉ trong thời hạn 30 ngày. Trong khoản 3 Điều 6 Thông tư này cho biết kể từ ngày làm chứng từ chuyển quyền sở hữu xe, tổ chức, cá nhân mua mới, cũ được điều chuyển, cho, tặng phải đến cơ quan đăng ký xe làm thủ tục đăng ký sang tên, di chuyển xe. Như vậy từ khi đại lý xuất hoá đơn, khách hàng có 30 ngày để đi làm thủ tục đăng ký xe.
Nếu quá hạn 30 ngày vẫn chưa đăng ký, chủ xe phải chịu nộp phạt. Mức nộp phạt được quy định tại khoản 7 Điều 30 Nghị định 100/2019. Cụ thể, mức phạt đối với cá nhân mua xe ô tô không đăng ký xe, sang tên khi mua bán là 2-4 triệu đồng và phạt 6-8 triệu đồng đối với tổ chức (công ty, cơ quan) là chủ phương tiện.
Ngoài ra, Nghị định 20/2019 về lệ phí trước bạ (sửa đổi, bổ sung Nghị định 140/2016) cũng nêu rõ, thời hạn nộp lệ phí trước bạ là 30 ngày kể từ ngày ký thông báo nộp lệ phí trước bạ (thông báo này được ký vào lúc mang xe đi làm thủ tục ra biển số). Trường hợp khách hàng nộp chậm, số tiền bị phạt sẽ áp dụng theo Luật Thuế 2019, ở mức 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp.
Đối với trường hợp 30 ngày sau khi đại lý xuất hoá đơn mua xe, khách không đến cơ quan thuế để làm thủ tục nộp phí trước bạ thì không bị phạt từ cơ quan thuế, dù quá thời gian đăng ký biển số bắt buộc.