Sơ đồ dự án Lộ Tẻ-Rạch Sỏi
Đó là ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật trong buổi làm việc với tỉnh Kiên Giang về các dự án giao thông trên địa bàn tỉnh sau buổi khảo sát tiến độ dự án Lộ Tẻ - Rạch Sỏi và cầu Vàm Cống chiều 24-8.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật khảo sát tiến độ dự án Lộ Tẻ - Rạch Sỏi và cầu Vàm Cống chiều 24-8.
Trong buổi làm việc tại UBND tỉnh Kiên Giang, ông Nguyễn Ngọc Toan, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Cửu Long, thông tin do khó khăn về nguồn vốn, hiện vốn được bố trí gần 950 tỉ đồng nhưng nhu cầu vốn vẫn còn thiếu gần 200 tỉ đồng, nên công tác giải phóng mặt bằng giao cho nhà thầu còn chậm. Nguồn cát thi công nền đường không có vì vậy từ tháng 3-2007 đến nay công tác thi công nền đường và xử lý đất yếu gần như dừng lại. Bên cạnh đó, chưa hoàn thiện hồ sơ di dời đường điện cao thế; vướng hệ thông cáp viễn thông và hệ thông cấp nước của huyện Tân Hiệp. Ngoài ra, dự án còn vướng bốn hộ dân chưa đồng ý nhận tiền, chưa bàn giao mặt bằng ở khu vực cầu kinh 10, thị trấn Tân Hiệp, huyện Tân Hiệp.
Đoàn công tác của Bộ GTVT làm việc với lãnh đạo tỉnh Kiên Giang.
Trước khó khăn trên, Thứ trường Nguyễn Nhật chỉ đạo tỉnh xem xét lại việc giải phóng mặt bằng, sớm bàn giao trước ngày 15-9. Còn nhu cầu về nguồn cát thì Đồng Tháp, An Giang và Bến Tre sẵn sàng cung cấp. Riêng Đồng Tháp đồng ý cung cấp 2 triệu mét khối cát cho dự án, năm 2017 cung cấp trước 500.000 mét khối.
Được biết, dự án xây dựng tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi được khởi công tháng 1-2016 với thời gian thực hiện 30 tháng. Dự án có điểm đầu tiếp nối với dự án cầu Vàm Cống, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ; điểm cuối nối vào tuyến tránh Rạch Giá, huyện Châu Thành, Kiên Giang.
Theo thiết kế, đường được xây dựng theo tiêu chuẩn cấp III đồng bằng, có 2 làn xe, vận tốc thiết kế 100km/h, phù hợp với đường cao tốc loại A. Dự án có tổng mức đầu tư gần 6.694 tỷ đồng từ vốn vay ODA của Chính phủ Hàn Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Đây là tuyến đường quan trọng có chức năng kết nối giữa TP.HCM và các tỉnh khác của tứ giác Long Xuyên.