Chất lượng nguồn nước ở TP.HCM đang giảm

Tỉ lệ thất thoát nước cao

Theo ông Hồng, nguồn nước mặt, đặc biệt là khu vực nội thành đang bị ô nhiễm và ngày càng gia tăng ô nhiễm bởi các chất hữu cơ và vi sinh. Nguyên nhân là do các nguồn nước này (chủ yếu được lấy từ lưu vực sông Sài Gòn - Đồng Nai) đang là nơi tiếp nhận gần 3 triệu m3 nước thải sinh hoạt, công nghiệp (hầu hết chưa qua xử lý) và hàng trăm tấn chất thải rắn mỗi ngày. Việc mức nước biển, triều dâng cũng làm cho thời gian nhiễm mặn của sông Sài Gòn - Đồng Nai xảy ra sớm và dài hơn. Chất lượng các tầng chứa nước ngầm cũng đang có xu hướng xấu đi, đặc biệt nước ở các khu vực gần các KCN, khu dân cư tập trung, các tầng chứa nước gần mặt đất. Ngoài ra, mực nước của một số tầng chứa nước hạ thấp nhanh, là hiện tượng nhiễm mặn nước ngầm do khai thác quá ngưỡng và đóng giếng không đúng quy cách. Không những thế, việc khai thác và sử dụng nguồn nước diễn ra hết sức lãng phí. Tại TP.HCM, tỉ lệ thất thoát nước là 34%, có nơi lên đến 52%. Phần lớn nước thải sinh hoạt vẫn được thải cùng nước mưa. Diện tích mặt nước của các hồ điều hòa đang bị đưa vào mục đích nuôi trồng thủy sản cũng làm lãng phí nguồn nước sạch và bị ô nhiễm. Trong khi đó, hệ thống cấp nước, xử lý nước thải lại chưa theo kịp nhu cầu thực tế. Hiện nay TP.HCM mới chỉ có một nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt ở Bình Chánh.

Chất lượng nguồn nước ở TP.HCM đang giảm ảnh 1

Chất lượng các tầng chứa nước ngầm cũng đang có xu hướng xấu đi, đặc biệt nước ở các khu vực gần các khu công nghiệp. Ảnh minh họa: MINH PHONG

Giải quyết cơ bản tình trạng ngập úng đô thị

Tại hội thảo, ông Hồng cũng đã nêu ra chiến lược quản lý tài nguyên nước của TP đến năm 2020. Tầm nhìn của chiến lược này là tăng cường tính hiệu quả, tính minh bạch của tất cả hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ và quản lý nguồn tài nguyên nước; bảo đảm an toàn về nguồn nước để phục vụ cho mọi nhu cầu sinh hoạt, đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế của TP; phòng ngừa và giảm thiểu có hiệu quả các tác hại do nước gây ra; xây dựng và phát triển TP trở thành trung tâm đô thị bền vững, kết hợp hài hòa giữa kiến thức đô thị với cảnh quan sông nước trong lành.

Theo đó, mục tiêu cụ thể sẽ là nâng cấp chất lượng nước kênh rạch khu vực trung tâm đạt tiêu chuẩn chất lượng nước mặt TCVN 5942-1995 đối với nguồn loại B. Đảm bảo chất lượng nước sông Đồng Nai, Sài Gòn tại khu vực hạ lưu trung tâm TP không xấu hơn so với chất lượng của nó trước khi chảy vào khu vực trung tâm TP về các thông số ô nhiễm nguồn nước thải đô thị và công nghiệp. Đồng thời, giải quyết cơ bản tình trạng ngập úng đô thị.

Để đạt được mục tiêu đó, ông Hồng đã đưa ra một số giải pháp trước mắt và lâu dài là cần hoàn chỉnh quy hoạch phát triển không gian đô thị, các quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch các ngành nhằm đưa công tác phát triển TP hài hòa thân thiện với môi trường (cơ chế phát triển xanh). Triển khai có hiệu quả chương trình hành động về thích ứng với biến đổi khí hậu TP, trong đó quản lý tài nguyên nước là một trong chín lĩnh vực ưu tiên. Triển khai nhanh, có hiệu quả các chương trình, dự án liên quan đến quản lý, bảo vệ môi trường và tài nguyên nước, trong đó tăng cường nhận thức của cộng đồng về ý thức bảo vệ, khuyến khích áp dụng các kỹ thuật, công nghệ để sử dụng tiết kiệm nguồn nước là biện pháp quan trọng.

Đồng thời, hoàn thiện về thể chế, tổ chức và cán bộ trong quản lý tài nguyên nước. Tăng cường sự hợp tác với các tỉnh, TP nằm trong lưu vực sông Sài Gòn - Đồng Nai, tìm kiếm công nghệ xử lý thích hợp cho các nguồn cấp nước mới (nước lợ, nước phèn, nước mặn). Ông Nguyễn Văn Hồng cũng khẳng định từ nhiều năm nay TP đã có chủ trương kêu gọi đầu tư các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào ngành nước. Hiện đã có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào hoạt động này.

Đối mặt với vấn đề ô nhiễm nguồn nước

Hiện chỉ khoảng 50% các khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Theo ước tính của nhiều chuyên gia, tổng thiệt hại kinh tế nước ta do ô nhiễm môi trường gây ra thời gian qua tối thiểu là khoảng 1,5%-3% GDP. Trong báo cáo môi trường quốc gia 2010, có nhiều vấn đề nghiêm trọng mà chúng ta đang phải đối mặt như sự gia tăng tình trạng ô nhiễm, chất hữu cơ trong nước vẫn không giảm, nhất là ở lưu vực hệ thống sông Đồng Nai và các lưu vực sông Cầu, Nhuệ, Đáy.

NGỌC CHÂU

VŨ YẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm