Hãng tin Reuters cho biết châu Âu đang tiến hành việc dỡ bỏ một số biện pháp kiểm soát, tiến tới mở cửa biên giới từ ngày 15-6 sau nhiều tháng phong tỏa vì đại dịch COVID-19.
Khối Schengen (khu vực thuộc châu Âu cho phép bãi bỏ hộ chiếu và quản lý biên giới tại biên giới chung) cùng bốn quốc gia Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sĩ sẽ tiến hành mở cửa biên giới trở lại sau ba tháng đóng cửa. Công dân từ các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), Anh và các nước thuộc Schengen sẽ được phép du lịch trở lại.
Lúc 0 giờ 00 ngày 12-6 vừa qua, các thị trưởng của TP Goerlitz (Đức) và Zgorzelec (Ba Lan) đã cắt khóa, mở cửa biên giới trở lại hai thành phố.
Thêm nữa, Ủy viên phụ trách các vấn đề nội vụ của châu Âu – bà Ylva Johansson cũng kêu gọi các nước thành viên của Schengen tiến tới mở cửa dần biên giới nội khối từ tháng 7-2020.
"Các quốc gia trong khối Schengen nên mở cửa biên giới trở lại càng sớm càng tốt. Và ngày 15-6 được xem là ngày tốt để làm điều này" - bà Johansson cho biết.
Mở cửa biên giới nhưng vẫn chưa thể đi lại tự do
Tuy nhiên, theo Reuters, từng quốc gia sẽ có những quy định riêng trong việc mở cửa biên giới và cho phép người dân các nước nhập cảnh.
Chẳng hạn, Hy Lạp sẽ yêu cầu cách ly những người đã từng đến một trong các sân bay thuộc tám quốc gia châu Âu (theo danh sách).
Còn Cộng hòa Czech có hệ thống đèn giao thông cảnh báo cấm nhập cảnh cho khách du lịch từ các quốc gia “màu cam” hoặc “màu đỏ” về mức độ ảnh hưởng do COVID-19 như Bồ Đào Nha và Thụy Điển.
Trạm kiểm soát biên giới giữa khu vực Harrislee (Đức) và thị trấn Padborg (Đan Mạch) sẽ mở cửa trở lại từ ngày 15-6. Ảnh: AP
Đan Mạch sẽ cho phép khách du lịch từ Iceland, Đức và Na Uy vào nước này, nhưng lại yêu cầu du khách đến từ Thụy Điển phải đặt chỗ ở ít nhất là sáu đêm.
Đức cũng sẽ dỡ bỏ việc kiểm tra biên giới bắt đầu từ ngày 15-6, không yêu cầu du khách phải chứng minh lý do chính đáng để nhập cảnh.
Áo sẽ mở cửa biên giới với các nước láng giềng từ ngày 16-6, ngoại trừ Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Thụy Điển và Anh. Nước này cũng ảnh báo du khách hạn chế đến các khu vực đã bị ảnh hưởng nặng nề do COVID-19 tại Ý.
Nước Anh sẽ yêu cầu du khách phải cách ly hai tuần khi đến nước này. Ngược lại, du khách Anh cũng phải thực hiện cách ly trong vòng 14 ngày khi đến Pháp.
Tây Ban Nha tới tuần sau mới mở cửa biên giới
Trong khi đó, Tây Ban Nha - một trong các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề do COVID-19 sẽ mở lại biên giới với hầu hết du khách châu Âu từ ngày 21-6, sớm hơn dự kiến 10 ngày.
Reuters dẫn nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Tây Ban Nha nói rằng du khách Anh có thể sẽ đến Tây Nha Nha từ ngày 21-7. Theo họ, Anh vẫn được xem là một thành viên của EU. Còn du khách từ bên ngoài khu vực EU hoặc Schengen sẽ có thể đến Tây Ban Nha từ ngày 1-7.
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez trong một cuộc họp hôm 3-6. Ảnh: REUTERS
“Du lịch là một lĩnh vực quan trọng cho sự phục hồi kinh tế. Chúng ta đã có thể ngăn chặn virus SARS-CoV-2 ở Tây ban Nha và châu Âu, nhưng nguy cơ bùng phát dịch bệnh vẫn chưa biến mất” - Thủ tướng Pedro Sanchez nói trong một cuộc họp báo.
Tây Ban Nha tiếp tục yêu cầu người dân và du khách đeo khẩu trang tại nơi công cộng cho đến khi vaccine trị COVID-19 được tìm ra.
“Chúng tôi muốn Tây Ban Nha, nơi đã được biết đến như một điểm đến du lịch đẳng cấp thế giới, là một điểm đến an toàn” – Thủ tướng Sanchez nhấn mạnh.
Các khu vực khác vẫn chờ để được phép nhập cảnh vào châu Âu
Việc các nước châu Âu mở cửa biên giới, dỡ bỏ các chính sách biên giới sau phong tỏa do dịch COVID-19 tạo điều kiện cho người dân du lịch trong mùa cao điểm như mùa hè năm nay.
Động thái này có thể giúp cứu vãn một phần ngành du lịch châu Âu. Theo Reuters, gần 10% nền kinh tế EU đã bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVID-19, thậm chí đối với các nước ở khu vực Địa Trung Hải tỉ lệ này còn cao hơn nhiều.
Đáng chú ý, khách du lịch từ nước Mỹ, châu Á, khu vực Mỹ La-tinh và Trung Đông sẽ vẫn phải chờ đợi thêm các biện pháp và các chính sách nới lỏng khác mới có thể nhập cảnh vào châu Âu, theo hãng tin AFP.