“Trong bối cảnh thủy điện khai thác hết, nguồn năng lượng tái tạo chỉ đáp ứng được 15% nhưng chi phí rất cao, điện hạt nhân tạm dừng thì vấn đề đặt ra là phát triển nguồn điện như thế nào để đảm bảo an ninh năng lượng mà bảo vệ môi trường là vấn đề chúng tôi đã thảo luận rất nhiều”. Ông Phương Hoàng Kim, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Năng lượng Bộ Công Thương, bày tỏ tại hội thảo Công nghệ nhiệt điện than và môi trường do Bộ Công Thương tổ chức tại TP.HCM ngày 3-3.
Lựa chọn duy nhất?
Theo ông Kim, phát triển kinh tế gắn liền với ngành điện, trong đó phát triển điện luôn phải đi trước. “Với tốc độ tăng trưởng GDP 7%/năm giai đoạn 2016-2020 sẽ tương ứng với tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm 10% và tăng lên 16% vào năm 2021-2025” - ông Kim thông tin.
Cũng theo ông Kim, trong bối cảnh hiện nay thủy điện lớn và vừa đã được khai thác hết với tổng công suất khoảng 20.000 MW. Từ sau năm 2020 Việt Nam chỉ còn phát triển được các thủy điện nhỏ. Còn các nguồn năng lượng tái tạo như thủy điện nhỏ, điện gió, điện mặt trời… của Việt Nam đến năm 2030 cũng chỉ đạt công suất chiếm khoảng 21% tổng công suất cho nhu cầu của cả nước. Dự báo phát triển các nguồn điện Việt Nam những năm tới, ông Kim nói: “Nhiệt điện than đóng vai trò quan trọng, sẽ chiếm 49% tổng lượng điện quốc gia vào năm 2020 và tăng lên 55% vào năm 2025. Cơ cấu phát điện than đến năm 2030 sẽ tiếp tục tăng và giữ tỉ trọng trên 50% sản lượng điện cho quốc gia”.
Về nguồn than cho phát điện, ông Kim cho biết từ năm 2017 dự kiến Việt Nam sẽ phải nhập khẩu khoảng 82 triệu tấn than và tăng lên 85 triệu tấn vào năm 2020. Ngoài ra, đối với nguồn khí cho sản xuất điện, dự kiến từ năm 2023 Việt Nam cũng phải nhập khẩu khí do các nguồn khí từ các mỏ ở Việt Nam giảm.
Bãi xỉ của Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải, Trà Vinh được tận dụng để sản xuất vật liệu xây dựng. Ảnh: MP
Nỗi lo ô nhiễm
GS-TS Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật nhiệt Việt Nam, đặt vấn đề: “Ở Việt Nam thủy điện đã khai thác triệt để. Điện khí có giá thành cao và nguồn khí đang cạn kiệt và nước ta phải nhập khí đốt. Còn điện hạt nhân chắc còn lâu mới có thì lấy đâu bù đắp cho nhu cầu điện cả quốc gia?”. Rồi ông khẳng định: “Trước mắt, Việt Nam chỉ có con đường phát triển thêm nhiệt điện than”.
Tuy nhiên, về phát triển nhiệt điện than cũng đặt ra nhiều mối lo về ô nhiễm môi trường mà vụ nhiệt điện Vĩnh Tân ở Bình Thuận là minh chứng rõ nét. Cạnh đó, các nhà máy nhiệt điện còn phát thải lượng lớn khí NOx, SOx, thủy ngân nên một số nhà khoa học, chuyên gia môi trường đề nghị áp dụng những loại công nghệ điện than hiện đại để kiểm soát các chất ô nhiễm không khí.
Trong tài liệu của Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID, một tổ chức phi lợi nhuận do Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam thành lập) phát hành tại hội thảo cũng cho biết nhiệt điện than gây ô nhiễm không khí, nước, đất, các bệnh đường hô hấp, ung thư. Nó còn phát các chất nguy hại như thủy ngân, asen, chì, kim loại nặng, tro bụi… gây mưa acid phá hủy nền nông nghiệp, ngư nghiệp, phát khí thải nhà kính làm Trái đất nóng lên, biến đổi khí hậu. Vì vậy, nếu không kiểm soát triệt để thành phần ô nhiễm thì cái giá phải trả từ nhiệt điện than sẽ không nhỏ.
Hai công nghệ chống ô nhiễm
Về việc kiểm soát ô nhiễm từ sản xuất nhiệt điện than, ông Nguyễn Duy Bình, Trưởng Ban kỹ thuật sản xuất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cho biết hiện nay nhiệt điện than Việt Nam đang áp dụng hai công nghệ là lò than phun và lò tầng sôi và vấn đề quan trọng nhất của nhiệt điện than là kiểm soát phát thải bằng cách giảm thiểu bụi, chất phát thải. “Đến nay có 8/11 nhà máy nhiệt điện do EVN đầu tư đã lắp hệ thống khử lưu huỳnh trong khói thải, tất cả nhà máy nhiệt điện than đều có lọc bụi tĩnh điện. Nước làm mát cũng được làm nguội trước khi thải ra môi trường. Lượng tro, xỉ than cũng được thu gom và lưu trữ, đang tìm đối tác ký hợp đồng tiêu thụ để sản xuất gạch, xi măng khô, cấu kiện bê tông…” - ông Bình thông tin.
Ông Nguyễn Tài Anh, Phó Tổng Giám đốc EVN, cho biết thêm các dự án nhiệt điện do EVN đang triển khai đã áp dụng các công nghệ hiện đại. Ví dụ như Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng ở Trà Vinh áp dụng công nghệ siêu tới hạn. Với công nghệ này sẽ kiểm soát tốt, không gây phương hại đến môi trường trong quá trình vận hành. Công nghệ siêu tới hạn là công nghệ hiện đại nhất mà Nhật đang áp dụng. “Dù vậy, EVN cũng chủ động triển khai hệ thống giám sát online, kết nối với ngành TN&MT cùng các cơ quan chức năng để theo dõi, giám sát hoạt động của nhà máy. EVN cũng yêu cầu tất cả nhà máy nhiệt điện mở cửa để khi người dân, đoàn thể có nhu cầu được vào tiếp cận, tham quan nhà máy” - ông Anh nói.
Lấy tro, xỉ thải làm vật liệu xây dựng Chúng tôi thực hiện quy trình lu lèn, đầm chặt để lưu trữ tro, xỉ thải ra từ nhà máy đã hai năm. Về lâu dài, công ty sẽ tiêu thụ toàn bộ lượng tro, xỉ trên. Cụ thể, chúng tôi đã ký hợp đồng với một doanh nghiệp tiêu thụ toàn bộ số lượng tro, xỉ này làm vật liệu xây dựng. Họ sẽ xây dựng nhà máy tiêu thụ và bao tiêu toàn bộ lượng tro, xỉ phát sinh trong cả vòng đời hoạt động của nhà máy nhiệt điện là 28 năm. Chúng tôi cũng được biết các bộ Công Thương, TN&MT và Xây dựng đang phối hợp đề xuất chính sách hỗ trợ, sử dụng tro, xỉ làm vật liệu xây dựng, san lấp mặt bằng. Vì theo các phân tích, đánh giá thì đây không phải là chất thải nguy hại nên chúng cần được đối xử như chất thải thông thường. Một lãnh đạo Công ty Nhiệt điện Vĩnh Tân |